Y tế - Sức khỏe
Chưa hết lo khi người bệnh bảo hiểm y tế phải mua thuốc ngoài
D.Ngân - 01/11/2024 18:11
Dù Bộ Y tế vừa ban hành một thông tư làm căn cứ để hỗ trợ người bệnh bảo hiểm y tế khi phải mua thuốc bên ngoài, song khó khăn của người bệnh vẫn còn đó.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, được coi là phương tiện giúp cho hàng chục triệu người bệnh trên cả nước.

Người bệnh bảo hiểm y tế vẫn phải đối diện với nỗi lo mua thuốc ngoài.

Tuy nhiên, để người bệnh thanh toán được tiền thuốc đã chi ra là không dễ, đặc biệt, không phải loại thuốc, vật tư y tế nào đi mua ngoài cũng được thanh toán.

Theo hướng dẫn của Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh, các trường hợp quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh chữa bệnh gồm có: Thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; thiết bị y tế loại C hoặc D, trừ thiết bị y tế chẩn đoán in vitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân.

Về điều này, theo dược sỹ Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có những lúc Bệnh viện không đảm bảo thuốc, vật tư cung ứng cho người bệnh.

Thuốc thiếu đa phần không thuộc trong danh mục thuốc hiếm, nhiều bệnh nhân thiếu thuốc trong tình trạng bệnh viện không thể chuyển tuyến do đây là tuyến cuối và tình trạng nặng của người bệnh...

Hiện nay, Bệnh viện đang thiếu thuốc Albumin và thiếu một loại thuốc tăng cường miễn dịch. Với một bệnh viện ngoại khoa như Việt Đức thì thuốc Albumin, công tác phẫu thuật sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 18/10 vừa qua, Bệnh viện mở gói thầu, có 30 nhóm thuốc không có đơn vị nào dự thầu.

Trước đó, năm 2022 cũng không có một đơn vị nào dự thầu thuốc Albumin cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hiện tại, bệnh nhân của Bệnh viện đang phải mua Albumin ở ngoài.

Ở một góc nhìn khác, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đưa ra ý kiến, nếu trong trường hợp bệnh viện thiếu thuốc, bệnh nhân phải mua bên ngoài tại các cơ sở bán lẻ kinh doanh thuốc thì giá mua sẽ cao hơn so với giá trúng thầu tại bệnh viện.

Vậy khi người bệnh thanh toán với bảo hiểm y tế, có được thanh toán với giá mua bên ngoài không? Đối với một bệnh nhân điều trị dài ngày thì số tiền chênh lệch mua bên ngoài khá lớn, vậy số tiền chênh lệch này sẽ giải quyết thế nào?

Cũng nói về tồn tại của Thông tư 22, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho hay, Thông tư 22 về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh chưa giải quyết được các vướng mắc hiện hữu.

Nguyên nhân là, trong Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế chỉ quy định thuốc được thanh toán thuộc danh mục thuốc hiếm. Danh mục thuốc hiếm chỉ có hơn 400 loại hoạt chất, trong khi số lượng hoạt chất được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán hiện là 1.096 loại, chưa tính tới một số thuốc cổ truyền, thuốc theo thông tư khác của Bộ Y tế...

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thuốc hiếm thấp hơn thông thường. Như vậy, Thông tư 22 quy định chỉ thanh toán cho thuốc hiếm không giải quyết triệt để và không đảm bảo được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư 22 quy định "thiết bị y tế loại C, loại D, trừ thiết bị y tế chẩn đoán in vitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân, thiết bị y tế thuộc danh mục thiết bị y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được mua, bán như các hàng hóa thông thường theo quy định tại Nghị định số 98 năm 2021 và Nghị định số 07 năm 2023.

Như vậy, Thông tư 22 chỉ phần nào giải quyết được những trường hợp bệnh nặng, đặc thù như đặt stent, phẫu thuật bằng nẹp vít... Thực tế có nhiều thiết bị y tế loại A hoặc B thường xuyên được sử dụng và rất cần thiết trong công tác khám, chữa bệnh như găng tay, dây truyền dịch, bơm kim tiêm các loại, kim luồn lại không được thanh toán trực tiếp

Với rất nhiều người bệnh nghèo hiện đang phải chi tiền túi mua thuốc, để được thanh toán bảo hiểm y tế có khi phải mất rất nhiều thời gian, vậy họ lấy đâu tiền để chi trả, trong khi nhiều người phải vay mượn?

Với câu hỏi này, theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, người bệnh nghèo tạm ứng tiền mua thuốc, vật tư, sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội sau.

Theo quy định, thời gian thanh toán không quá 40 ngày kể từ khi bác sỹ chẩn đoán và kê đơn. Đây là bước tiến mới thay vì người bệnh chưa được thanh toán như hiện nay.

Điều này cũng làm giảm tình trạng kê đơn ngoài, cơ quan quản lý nhà nước và bảo hiểm sẽ phát hiện  những trường hợp không thoả đáng mà vẫn kê đơn cho người bệnh ra ngoài mua. Người bệnh sẽ được giảm bớt được những khó khăn.

Tuy nhiên, khi làm thủ tục phải chờ đợi, phải có thời gian, gây khó khăn cho người bệnh nghèo. Đây là điều không mong muốn nên Bộ Y tế sẽ cố gắng có giải pháp khác từng bước khắc phục tình trạng này.

Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Bộ Y tế đã sửa đổi quy định của Điều 31 là khi cơ sở y tế thiếu thuốc không bắt người bệnh phải ra ngoài mua thuốc mà để cho bệnh viện điều chuyển thuốc với nhau, hoặc bệnh viện phải mua trực tiếp gọi về và thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội. Đây cũng là tính nhân văn khi xây dựng Luật.

Theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng các nghị định, thông tư, khi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn chi trả từ cơ sở khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội sớm, đáp ứng tình trạng cấp bách, không để người bệnh phải tự bỏ tiền ra mua rồi tự thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Dự kiến, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi được ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, Bộ Y tế sẽ có thời gian xây dựng thông tư hướng dẫn trình Chính phủ và người bệnh chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ cải thiện được tình trạng phải chi tiền túi mua thuốc ngoài.

Tin liên quan
Tin khác