Thị trường trái phiếu tiếp tục ảm đạm chờ Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi
Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm đến hết ngày 19/8, phát hành TPDN riêng lẻ giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tuần đầu tháng 8/2022, hầu hết các đợt phát hành TPDN riêng lẻ đều đến từ lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Đáng chú ý, trong gần 2 tháng qua, chỉ có một đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Đó là đợt phát hành của CTCP Fuji Nutri Food với khối lượng phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, khối doanh nghiệp bất động sản cũng chỉ mới có thêm CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền phát hành trái phiếu (đã thông qua phương án phát hành tối đa 800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ).
Như vậy, ngoại trừ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp tiếp tục co cụm, không dám phát hành TPDN, trong lúc Bộ Tài chính vẫn không ngừng phát ra các thông điệp cảnh báo rủi ro thị trường và dự thảo mới nhất của Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi vẫn chưa được công bố.
TS. Lê Xuân Nghĩa ước tính, trong tổng dư nợ 1,4 triệu tỷ đồng TPDN hiện nay, tới 700.000 - 800.000 tỷ đồng dư nợ bất động sản. Hàng trăm ngàn tỷ đồng TPDN bất động sản sẽ đáo hạn từ nay đến năm 2024. Nếu thị trường TPDN tiếp tục đóng băng, hệ lụy sẽ là rất lớn.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang ngóng chờ Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi sẽ theo hướng thận trọng và chặt chẽ hơn và điều quan trọng nhất là phải đúng lúc, đúng đối tượng.
Cụ thể, các tiêu chí với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải cao hơn, chủ thể phát hành phải minh bạch hơn, các đơn vị trung gian cũng phải được chuẩn hóa. Bên cạnh đó, việc mua bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng phải rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. Liên quan việc phát hành ra công chúng, kênh này phải mở rộng hơn, thông thoáng hơn, chứ không phải mất quá nhiều quy trình thủ tục để xin phát hành.
“Sửa Nghị định 153/2020/NĐ-CP chắc chắn sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn, an toàn hơn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư… Tuy nhiên, không quá kỳ vọng nghị định này sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề còn tồn tại trên thị trường trái phiếu”, TS. Lực nhận định.
Tăng minh bạch mới có thể khởi động lại thị trường trái phiếu
Kỳ vọng Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi sớm được ban hành trong những tháng cuối năm, song TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu cứ ồ ạt phát hành riêng lẻ thì thị trường không thể minh bạch hơn được và việc xếp hạng tín nhiệm trở nên vô nghĩa. Do đó, cơ quan quản lý phải nhắm đến đẩy mạnh TPDN phát hành đại chúng.
“Từ nay đến cuối năm chưa phải là thời điểm chúng ta đưa ra được quy định căn cơ. Đây mới là thời điểm chống chọi với những nguy cơ trước mắt và khắc phục những nguy cơ đổ bể cho hệ thống tài chính. Tuy nhiên, về lâu dài, cần hạn chế tối đa việc phát hành riêng lẻ và mở rộng tối đa việc phát hành ra công chúng, tăng tính minh bạch cho thị trường trái phiếu”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.
Theo các chuyên gia, sở dĩ TPDN gây lo ngại cho cơ quan quản lý là bởi tình hình tài chính tù mù. Muốn thị trường này phát triển bền vững, giải pháp cần thiết nhất là tăng tính minh bạch, đặc biệt là xếp hạng tín nhiệm.
Việc trái phiếu không có xếp hạng khiến nhà đầu tư như “đi trong sương mù” để đánh giá TPDN. Đặc biệt, với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, xếp hạng tín nhiệm lại càng trở nên rất quan trọng vì họ không có trình độ thẩm định báo cáo tài chính, nghiên cứu dòng tiền… của doanh nghiệp.
Thực tế, hiện nay, TPDN có kỳ hạn phát hành rất ngắn, chỉ 1-3 năm và doanh nghiệp phải xoay xở đáo hạn liên tục. Lý do là nhà đầu tư thiếu niềm tin, không dám mua kỳ hạn dài. Nếu tăng cường xếp hạng tín nhiệm, tăng tính minh bạch, tạo niềm tin cho thị trường, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn.
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings cho rằng, phần lớn tổ chức phát hành trên thị trường chưa thật sự hiểu rõ và quan tâm đến các lợi ích tổng thể của việc xếp hạng tín nhiệm.
Theo ông Minh, cần có quy định bắt buộc các tổ chức phát hành và trái phiếu cần phải được xếp hạng tín nhiệm. Trên cơ sở đó, có thể phân định rõ chất lượng tín nhiệm của từng loại hình tổ chức phát hành và các trái phiếu, theo chuẩn mực và tiêu chí đánh giá ở các mức đầu tư hay là đầu cơ để các nhà đầu tư trên thị trường tham khảo, quyết định đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro đầu tư.