TIN LIÊN QUAN | |
Xử phạt xe máy điện không gắn biển kiểm soát | |
Xe máy điện thuộc diện phải đăng ký từ 1/6 | |
“Xe không khói” Trung Quốc khuấy đảo thị trường Việt |
Thông tin được Đại tá Tuấn chia sẻ tại hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho người sử dụng các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện” do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức sáng nay, 6/6.
Ngày 1/6/2014 là thời điểm Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, trong đó kể cả xe máy điện chính thức có hiệu lực.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt |
Tuy nhiên, trước đó, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, xe máy điện phải đưa vào diện đăng ký quản lý từ năm 2008.
Cụ thể, thông tư 36/2010 của Bộ Công an đã quy định, đối với xe sử dụng từ ngày 1/7/2009 thì phải có đầy đủ hồ sơ hợp pháp theo quy định gồm giấy Chứng minh Nhân dân, hộ khẩu, tờ khai về xe, giấy tờ nguồn gốc xe, giấy chứng nhận kiểm định và và chứng nhận bảo vệ môi trường ( với xe nhập khẩu) và giấy chứng nhận xuất xưởng (xe sản xuất trong nước) thì mới được giải quyết đăng ký.
Trường hợp sử dụng trước ngày 1/7/2009 (Luật Giao thông đường bộ không quy định đăng ký xe máy điện), chủ xe chỉ cần có giấy xác nhận của chính quyền địa phương là chủ xe sẽ được giải quyết đăng ký, cấp biển số.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi trên thị trường xuất hiện rất nhiều chủng loại xe hai bánh chạy bằng điện bao gồm: xe máy điện, xe đạp điện chưa rõ nguồn gốc và chưa được kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật thì tình hình xe máy điện vẫn chưa được kiểm soát.
Theo các quy định về tiêu chuẩn đối với xe cơ giới thì xe máy điện đang lưu hành không đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định như: không có đồng hồ công tơ mét, đèn tín hiệu, hệ số an toàn thấp…
Đặc biệt, tình trạng học sinh, sinh viên đi với tốc độ cao, chở quá số người quy định, dàn hàng ngang, lạng lách; không đội mũ bảo hiểm… vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gây mất an toàn giao thông đang có chiều hướng gia tăng.
Lý giải nguyên nhân vì sao những xe máy này vẫn chưa đăng ký được, ông Tuấn cho biết, “việc xác định số lượng xe đang lưu hành trên toàn quốc thực chất chúng tôi chưa có con số cụ thể. Chúng tôi cũng đang xác định hiện trên thị trường về số lượng xe đã nhập khẩu thực tế bao nhiêu, bao nhiêu có đầy đủ giấy tờ được phép nhập khẩu và bao nhiêu nhập lậu trôi nổi, trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an để có hướng dẫn giúp người dân có đủ giấy tờ đăng ký.”
Ông Tuấn cũng cho rằng, ngay cả không xét đăng ký thì việc xử phạt đối với những chủ phương tiện đi xe máy điện hiện vẫn rất khó khăn bởi luật quy định chủ phương tiện tham gia giao thông phải từ 16 tuổi trở lên mới xử phạt bằng tiền. Tuy nhiên, đa phần người điều khiển xe máy điện hiện nay là học sinh ở độ tuổi từ 14-16 tuổi nên khi bị bắt giữ cũng chỉ sử dụng biện pháp nhắc nhở là chủ yếu.
Hiện, trên cả nước mới có 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bến Tre, Nam Định, Vĩnh Phúc, Yên Bái, TP. HCM và Cà Mau là đã xây dựng chuyên đề riêng, đưa ra kế hoạch xử lý vi phạm đối với người sử dụng xe máy điện, xe đạp điện vi phạm.
Với những vi phạm này, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 300-400.000 đồng theo quy định của nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Hải Hà