Doanh nghiệp
Chua xót các điều kiện kinh doanh chặn dòng kinh doanh
Bảo Duy - 07/12/2019 10:09
“Thật chua xót khi nghe một người tâm huyết tính đến việc bỏ nghề chỉ vì các điều kiện kinh doanh quá vô lý. Chúng ta vẫn kêu gọi doanh nghiệp phụng sự xã hội, nhưng cơ quan nhà nước có đặt trách nhiệm phụng sự lên vai không?”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lặng người.
Các cơ quan quản lý có coi doanh nghiệp là đối tác cùng phát triển, để có thể chia sẻ thông tin, giải pháp vì mục tiêu chung là sự phát triển của nền kinh tế, hay chỉ là đối tượng quản lý, buộc phải tuân thủ?

Trước đó, ông Cung và một vài chuyên gia về điều kiện kinh doanh của một số bộ, ngành đã dành gần một tiếng đồng hồ để nghe ông Nguyễn Minh Quân (Công ty cổ phần Kiểm định kỹ thuật an toàn quốc gia) kể về những quy định không thể lý giải được tại sao lại có. Đó là các quy định nồi hơi công suất trên 16 bar thì Bộ Công thương quản lý, công suất nhỏ hơn thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Cùng là cầu trục thì đặt ở công trường xây dựng thì do Bộ Xây dựng quản lý, đặt ở sân bay lại là phần của Bộ Giao thông – Vận tải...

Nhiều quy trình kiểm định lạc hậu, không thực tiễn, chưa kể nhiều thiết bị có tên trong danh mục phải kiểm định, các bộ không ban hành tiêu chuẩn, quy trình... , nhưng doanh nghiệp muốn làm thì phải lặn lội đến các cơ sở đào tạo để học, mới được cấp chứng nhận...

“Là người làm nghề kiểm định hơn 20 năm, tôi tin là có kinh nghiệm để nhận xét. Khi đã nói, đã kiến nghị, tôi sẵn sàng đối chất với các bộ, cũng sẵn sàng đóng cửa doanh nghiệp. Có cảm giác như các bộ, ngành đồng lòng... hành doanh nghiệp”, ông Quân nghẹn giọng.

Chuyện của ông Quang không phải hiếm, cũng không phải chỉ có một ngành vướng vào những bức tường, những hàng rào chặn dòng kinh doanh do những điều kiện, những quy định bất hợp lý trong không ít văn bản quy phạm pháp luật dựng lên. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất quyết tâm chấm dứt tình trạng này khi trực tiếp yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc với các tỷ lệ cắt giảm rõ ràng, giao đầu việc cụ thể.

Nhưng, doanh nghiệp vẫn còn kêu ca, nghĩa là công việc phải làm còn rất nhiều. Có nghĩa dư địa cải cách vẫn chưa hết ngay trong lĩnh vực liên quan đến điều kiện kinh doanh, đến thủ tục hành chính...

Về bản chất, điều kiện kinh doanh chính là một công cụ quản lý của Nhà nước để đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự xã hội cho cộng đồng và các bên liên quan. Điều này cũng đồng nghĩa với trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp.

Nếu hệ thống quy định về điều kiện kinh doanh được thiết lập thái quá, không hợp lý, thiếu khả thi, thì tất yếu, chi phí tuân thủ và rủi ro của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Thậm chí, nhiều điều kiện kinh doanh kìm hãm sự phát triển, kìm hãm đổi mới, sáng tạo vì ép doanh nghiệp vào các mô hình kinh doanh theo khuôn mẫu. Hệ quả là luôn có sự tranh cãi giữa một bên là quản lý nhà nước và một bên là cộng đồng doanh nghiệp khi xuất hiện các cuộc bàn thảo về điều kiện kinh doanh.

Điều này cũng có nghĩa, sự cân bằng trong mối quan hệ trên sẽ chỉ đạt được khi các quy định được xây dựng trên cơ sở khoa học, hợp lý, khả thi và với chi phí tuân thủ thấp. Tuy nhiên, việc tìm kiếm sự cân bằng này là trách nhiệm chính của các cơ quan quản lý nhà nước, phụ thuộc rất lớn vào tư duy, sự sáng tạo, cách thức hành động và cả trách nhiệm phụng sự đất nước của các công chức trong việc tìm kiếm, đề xuất công cụ quản lý.

Song sau nhiều năm thực hiện các yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, có lẽ phải đặt lại câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp từng nhiều lần nêu ra, rằng các cơ quan quản lý có coi doanh nghiệp là đối tác cùng phát triển, để có thể chia sẻ thông tin, giải pháp vì mục tiêu chung là sự phát triển của nền kinh tế, hay chỉ là đối tượng quản lý, buộc phải tuân thủ.

Một khi cơ quan quản lý và doanh nghiệp vẫn đứng ở hai đầu trong cuộc chiến với điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính vô lý, thì sẽ không thể tìm được điểm cân bằng.

Tin liên quan
Tin khác