Thời sự
Chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ tư: Lo sửa Luật Đất đai từ sớm, từ xa
Nguyễn Lê - 12/07/2022 10:30
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ ba và cho ý kiến chuẩn bị kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp.

Tiếp tục phiên họp thứ 13, sáng 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ ba và cho ý kiến chuẩn bị kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV.

Các ý kiến tại phiên thảo luận đều đánh giá cao thành công của kỳ họp thứ ba, nội dung nhiều, thời gian ngắn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, các quyết sách đạt sự đồng thuận cao.

Đồng bào ta ở nước ngoài cũng theo dõi kỳ họp và đánh giá cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin.

Về chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến, Quốc hội làm việc 22 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ Năm, ngày 20/10/2022 và bế mạc vào thứ Sáu, ngày 18/11/2022, Quốc hội họp tập trung cả kỳ.

Dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án luật khác.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện mục 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19.

Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm.

Nhấn mạnh công tác lập pháp là trọng tâm của kỳ họp tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý trong 7 dự án luật được cho ý kiến lần đầu có dự án luật rất quan trọng là Luật Đất đai sửa đổi.

Cũng nhắc đến dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần phát huy bài học kinh nghiệm là cơ quan trình  và cơ quan thẩm tra cùng vào cuộc chuẩn bị từ sớm để đạt chất lượng cao nhất. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, sửa Luật Đất đai là khó nhất, nhưng cũng được trông đợi nhất, cần huy động sự tham gia rộng rãi của chuyên gia, các lực lượng khác trong xã hội.

Quốc hội thông qua luật này có chất lượng là đóng góp quan trọng với đất nước, ông Vinh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luât Đất đai (sửa đổi) Vũ Hồng Thanh cho biết, đến giờ này, cũng chưa nhìn thấy dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự kiến phiên họp tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới cho ý kiến dự thảo luật này, nên ông Thanh cho rằng, cuối tháng 9/2022 mới có thể xin ý kiến hội nghị đại biểu chuyên trách, chứ không thể xin ý kiến vào đầu tháng 9/2022 như dự kiến.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các các cơ quan của Quốc hội cần khởi động ngay việc chuẩn bị các nội dung kỳ họp thứ tư. Cần tổ chức rất nhiều tọa đàm, hội thảo về các dự án luật sẽ trình quốc hội, nhất là với các luật rất khó như Luật Đất đai (sửa đổi), ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Sau nhiều lần miễn cưỡng cho lùi cho hoãn, tại kỳ họp thứ ba vừa qua Quốc hội quyết định điều chỉnh thời gian trình đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo đúng tiến độ.

Trường hợp dự án được chuẩn bị tốt, ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh hơn tiến độ thông qua Luật, có nghĩa là đạo luật quan trọng này có thể được thông qua vào giữa năm 2023.

Tin liên quan
Tin khác