Quốc tế
Chứng khoán Á - Âu đi xuống sau cam kết mờ nhạt của Fed
Lê Quân - 30/07/2020 21:36
Chỉ số MSCI toàn cầu, thước đo sức khỏe chứng khoán của 49 quốc gia, đứt chuỗi 3 phiên tăng điểm liên tiếp do giảm 0,3% trong phiên giao dịch 30/7.
Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục sụt giảm trong phiên giao dịch 30/7. Ảnh: AFP

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên vật lộn kiếm lời nhưng chỉ số STOXX 600 vẫn giảm đến 0,7%, trong khi đà tăng điểm của thị trường chứng khoán châu Á cũng “xôi hỏng bỏng không” với chỉ số MSCI khu vực châu Áu - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,1%.

Tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ Shanghai composite trượt nhẹ 0,23% về 3.286,82 điểm trong khi chỉ số Shenzhen Component giảm sâu hơn 0,668% còn 13.466,85 điểm. Trên sàn Hong Kong, Hang Seng mất 0,69% còn 24.710,59 điểm.

Sắc đỏ tiếp tục bao phủ chứng khoán Nhật Bản khi chỉ số Nikkei 225 giảm thêm 0,26% và chốt phiên 22.339,23 điểm, còn chỉ số Topix lặn sâu hơn với 0,62% và đóng cửa với 1.539,47 điểm. Trái lại, chứng khoán Hàn Quốc hôm nay ghi nhận mức tăng nhẹ 0,17%. Giới đầu tư đang trong trạng thái cảnh giác cao khi dịch Covid-19 có dấu hiệu tiếp tục lây lan tại Mỹ, khu vực châu Âu và một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Việt Nam và Triều Tiên.

Fed hôm 29/7 (giờ Mỹ) vẫn giữ nguyên chính sách lãi suất với lãi suất ngắn hạn được thiết lập trong ngưỡng 0 - 0,25% từ ngày 15/3 - thời điểm mà Covid-19 bắt đầu tấn công Mỹ.

Việc Fed vẫn giữ nguyên chính sách lãi suất, cộng với cam kết không có gì mới ngoài việc "sẽ dùng mọi công cụ trong tay nếu cần thiết", đã khiến nhà đầu tư dè chừng. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đêm qua vẫn "xanh sàn" khi cả 3 chỉ số lớn đều lên điểm. Nasdaq Composite tăng cao nhất trong 3 chỉ số với mức tăng 1,35% lên 10.542,94 điểm, trong khi S&P 500 và Dow Jones lần lượt tăng 1,24% và 0,61%.

Động thái "ôn hòa" của Fed nhanh chóng trở nên mờ nhạt và nhà đầu tư chuyển sự tập trung vào kết quả đàm phán gói cứu trợ kinh tế Mỹ trước tác động của dịch Covid-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/7 cho biết chính quyền Washington và các nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn còn “khoảng cách” đối với dự luật về gói cứu trợ mới.

Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu do các thành viên thị trường nhận định Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong nhiều năm tới và chính sách này được dự đoán sẽ đẩy lạm phát tăng cao trước khi lãi suất tăng.

Đô la Mỹ liên tục trượt giá gần đây khiến đồng Euro (EUR) xác lập kỷ lục tăng cao nhất trong một tháng trong vòng 10 năm qua. Tính riêng tháng này, đồng Euro tăng tới 5% so với đô la Mỹ. Tuy nhiên, đồng Euro hôm nay trượt giá 0,3% và giao dịch 1 EUR đổi được 1,1754 USD. Đô la Australia hôm nay cũng suy yếu 0,6% xuống mức 1 AUD đổi 0,7149 USD sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2019.

Thêm thông tin đáng chú ý là lợi suất trái phiếu chính phủ Đức giảm xuống mức thấp trong 2 tháng qua sau khi nền kinh tế này suy giảm 10,1% trong quý II/2020, mức giảm sâu nhất trong lịch sử. Ngay đầu phiên giao dịch 30/7, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm giảm 2 điểm cơ bản xuống -0,52%.

Giá dầu hôm nay cũng đi xuống khi giới giao dịch lo ngại Covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, sẽ nhấn chìm nhu cầu nhiên liệu trên thế giới. Dầu thô Brent loại LCOc1 giao kỳ hạn hôm nay trượt giá 0,5% xuống 43,52 USD/thùng, còn giá dầu thô Mỹ loại CLc1 giao kỳ hạn giảm mạnh hơn 0,8% còn 40,96 USD/thùng.

Thị trường vàng hôm nay "hạ nhiệt" với vàng giao ngay trượt giá 0,83% về mức 1.954,2 USD/ounce.

Tin liên quan
Tin khác