Chủ tịch HĐQT BSC Ngô Văn Dũng báo cáo tại đại hội đồng cổ đông. |
Hướng đến tìm kiếm cổ đông chiến lược đồng hành lâu dài
Báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vừa tổ chức vào cuối tháng 6/2020, CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã BSI - HoSE) cho biết ở thời điểm hiện tại, HĐQT đang trong quá trình trao đổi, thu thập thông tin về việc tìm kiếm cổ đông chiến lược.
Lần gần nhất, Chứng khoán BIDV tăng vốn điều lệ thu hút nguồn tiền mới từ bên ngoài là đợt chào bán cổ phần ra công chúng hồi tháng 1/2018. Khi đó, BSC đã tăng vốn điều lệ từ hơn 976 tỷ đồng lên hơn 1.076 tỷ đồng.
Theo kế hoạch được đề ra lần này, BSC sẽ phát hành riêng lẻ cho duy nhất một nhà đầu tư tài chính hoặc nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Giá bán dự kiến được xác định theo phương thức thỏa thuận, nhà đầu tư chịu hạn chế chuyển nhượng trong tối thiểu 3 năm đầu.
Theo tiêu chí đặt ra, quy mô tổng tài sản của nhà đầu tư tối thiểu 1 tỷ USD quy đổi; có uy tín và danh tiếng quốc tế, có thể hỗ trợ BSC trong quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, phát triển sản phẩm dịch vụ và áp dụng công nghệ hiện đại. Đồng thời, theo quy định, nhà đầu tư này sau khi đã rót vốn vào BSC không được sở hữu trên 5% vốn điều lệ tại một công ty chứng khoán khác (tính gộp cả người có liên quan).
Tỷ lệ phát hành dự kiến tối đa gần 54% vốn điều lệ hiện tại. Cổ đông chiến lược sau khi mua phần vốn phát hành mới dự kiến nắm giữ tối đa 35% tổng số cổ phần của BSC. Đã có cổ đông bày tỏ lo lắng về mức tỷ lệ cho phép cổ đông mới có quyền phủ quyết như trên. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty chứng khoán này cho biết HĐQT đã cân nhắc trên cơ sở định hướng chiến lược cũng như hướng đến việc tìm kiếm được nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn đồng hành lâu dài cả trong tái cấu trúc vốn và hợp tác, chia sẻ trong điều hành kinh doanh.
Bởi dù đứng ở cương vị cổ đông nào, trước hết các cổ đông cũng phải cân nhắc các quyết định trên cơ sở lợi ích của chính cổ đông, lợi ích của BSC và mong muốn cho tình hình của công ty tốt lên, vi công ty và vi chính cổ đông đó. Hiện BIDV vẫn là cổ đông lớn nhất và đang sở hữu gần 80% vốn điều lệ BSC. Quỹ PYN Elite Fund cũng là cổ đông lớn, nắm giữ 7,16% vốn điều lệ.
Quy mô vốn điều lệ của BSC dự kiến tăng tối đa 657 tỷ đồng. Cùng đó, công ty chứng khoán này dự kiến huy động tối đa 500 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu thường kỳ hạn 3 năm.
Ở mức vốn điều lệ hiện tại, BSC nằm ngoài top 10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
Cuộc đua huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính được nhiều công ty chứng khoán thực hiện các năm qua, nhất là nhóm công ty chứng khoán ngoại. Gần nhất, vào hồi đầu tháng 6, Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết đang triển khai chào bán 70,19 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 100:37, nếu thành công sẽ nâng vốn điều lệ lên 2.600 tỷ đồng.
Tự doanh vẫn sẽ là hoạt động trọng yếu
Trong năm 2019, hoạt động tự doanh mang về 37 tỷ đồng lợi nhuận thuần, tương đương 27,5% tổng lợi nhuận của BSC. Đây cũng là mảng kinh doanh đóng góp lớn thứ 2 trong tỷ trọng lợi nhuận, chỉ sau môi giới (110 tỷ đồng). Tài sản BSC phân bổ cho hoạt động này là hơn 760 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng tài sản của công ty chứng khoán này.
Lãnh đạo công ty cho biết đây sẽ vẫn là hoạt động trọng yếu và rất cần thiết đối với mảng hoạt động kinh doanh của BSC. Công ty do đó vẫn tiếp tục duy trì mảng trên nhưng sẽ phải thực hiện quản trị rủi ro, có phương án quản trị rủi ro tốt để phòng ngừa, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
So với năm 2018, doanh thu cả hoạt động môi giới và tự doanh của BSC đều giảm. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 chỉ đạt 113 tỷ đồng, giảm 42% so với năm trước đó. Kế hoạch kinh doanh năm 2020 tiếp tục giảm sâu với lợi nhuận mục tiêu chỉ là 86 tỷ đồng, được xây dựng sau khi đánh giá thận trọng yếu tố kinh tế vĩ mô và rủi ro tiềm ẩn, định hướng hoạt động kinh doanh của công ty.
Trong khi không ít công ty chứng khoán đi theo hướng cạnh tranh các sản phẩm dịch vụ giá rẻ, BSC định hướng sản phẩm dịch vụ tài chính cao cấp, bán hàng bằng uy tín và niềm tin cho khách hàng. Chia sẻ về chiến lược của công ty, lãnh đạo BSC cho biết công ty đã tập trung triển khai đầu tư phát triển hạ tầng, sản phẩm công nghệ từ sớm. Việc tìm kiếm cổ đông chiến lược có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản trị sắp tới cũngđể thực hiện hóa chính sách này.
Phía công ty cũng cho biết thêm đang tiên phong hợp tác với một đối tác fintech với hệ thống Open API - cầu nối giữa hệ thống phân tích của các đối tác fintech với hạ tầng giao dịch của các công ty chứng khoán, nhắm đến việc mở rộng dịch vụ môi giới của mình ra ngoài phạm vi khách hàng truyền thống của BSC, hướng tới phát triển nhóm khách hàng mới, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
“Mặc dù chịu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong quý I, nhưng BSC đã đón đầu làn sóng tăng trưởng quý II/2020. Do vậy, đến hết quý II, BSC đạt lợi nhuận trước thuế dự kiến là 43 tỷ đồng”, lãnh đạo công ty cũng cho biết thêm. Như vậy, sau khoản lỗ 60 tỷ đồng của quý I, lợi nhuận quý sau đã hồi phục, một phần cũng nhờ giá nhiều mã cổ phiếu mà công ty đầu tư tăng trở lại.
BSC trình cổ đông phương án chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Đồng thời, công ty cũng dự kiến mức cổ tức năm tới là 7% dù kế hoạch kinh doanh đề ra giảm so với năm trước. Các tờ trình tại kỳ đại hội được thông qua với tỷ lệ tán thành 100%.
Cũng tại đại hội, ông Nguyễn Duy Viễn, Tổng giám đốc BSC được đại hội đồng cổ đông bầu vào HĐQT. Ông Viễn mới được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc BSC từ ngày 18/6/2020.