Nguồn ảnh: CNBC |
Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1,15% ngay đầu phiên, còn Topix lên điểm 1,03%. Thị trường Hàn Quốc cũng ghi nhận sắc xanh với chỉ số Kospi nhích 0,49%. Tại Australia, chỉ số L&P/ASX 200 tăng thêm 0,3% nhờ hầu hết các nhóm chứng khoán đều đi lên.
Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,25%.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong cho biết sẽ rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi và căng thẳng ở Hong Kong. Theo dự luật gây này, những người phạm tội ở Hong Kong có thể bị dẫn độ đến Trung Quốc đại lục để xét xử.
Chỉ số Hang Seng trên sàn Hong Kong tăng khoảng 4% phiên 4/9. Đáng chú ý, cổ phiếu của quỹ giao dịch iShares MSCI Hong Kong ETF (EWH) vọt lên 4,5% - mức tăng cao nhất trong một phiên giao dịch kể từ ngày 8/9/2015.
Tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ được coi là tín hiệu tốt cho thị trường, bởi giới đầu tư lo ngại tình hình phản đối và biểu tình leo thang ở Hong Kong - một trung tâm tài chính quan trọng ở châu Á - sẽ ảnh hưởng xấu tới kinh tế toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư nhận định các cuộc biểu tình ở Hong Kong có thể cản trở đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Dựa hơi” tin tốt ở Hong Kong, chứng khoán Mỹ tăng mạnh phiên 4/9.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones chốt phiên tăng 237,45 điểm (0,9%) lên mức 26.355,47. Chỉ số S&P 500 tăng 1,1% và khép lại giao dịch ở mức 2.937,78 điểm, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ tăng mạnh nhất - 1,7%. Chỉ số Nasdaq Composite đóng phiên với 7.976,88 điểm, tăng 1,3%.
Cổ phiếu của hãng sản xuất chip Micron Technology nhảy vọt 4,1% sau khi một nhà phân tích của công ty chứng khoán Mizuho Securities nâng dự đoán tăng giá đối với mã này. Cũng tăng 4,1%, cổ phiếu Intel lọt vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong rổ Dow Jones.
Sắc xanh cũng bao phủ nhóm cổ phiếu ngân hàng Mỹ do đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ không còn đảo ngược, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cao hơn trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Cổ phiếu của hai “ông lớn” Bank of America và Citigroup đều tăng 1,3%, còn cổ phiếu của hãng dịch vụ tài chính J.P. Morgan Chase tăng 1,2%.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD so với đồng tiền mạnh khác giảm từ mốc 98,8 ngày 4/9 về mức 98,4.
Đồng yên Nhật được giao dịch ở mức 106,40 JPY đổi 1 USD, trượt giá so với mức 105,9 JPY “ăn” 1 USD phiên 4/9. Đồng đô la Australia lên giá so với phiên trước và trao tay ở mức 1 AUD đổi 0,6800 USD.
Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay sụt giảm, với giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 0,18% xuống 60,59 USD/thùng và dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt 0,27% về mức 56,11 USD/thùng.
Sau 3 ngày trượt dốc do những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, giá dầu thế giới ngày 4/9 đã tăng hơn 4% nhờ thông tin tốt về kinh tế Trung Quốc.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 4,14% lên mức 60,66 USD/thùng, còn dầu thô West Texas Middle (WTI) Mỹ tăng mạnh 4,3% lên 56,26 USD/thùng, đây cũng là mức tăng điểm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 10/7.
Kết quả cuộc khảo sát tư nhân gần đây cho thấy ngành dịch vụ của Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất trong 3 tháng qua với lượng đơn hàng mới tăng mạnh, giúp tăng trưởng việc làm đạt mức cao nhất trong hơn một năm qua.
Ngoài ra, khẩu vị đầu tư cũng được cải thiện sau khi Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố sẽ rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.