Chứng khoán châu Á khởi đầu tuần mới với phiên giao dịch yên ắng sáng 18/11. Ảnh: AFP |
Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) trượt nhẹ 0,06% về khối lượng giao dịch.
Nikkei N225 của Nhật Bản nhích 0,05% nhưng vẫn chưa chạm ngưỡng cao nhất 13 tháng qua. Hợp đồng tương lai E-Mini S&P 500 trượt 0,1% dù trước đó ghi nhận mức cao kỷ lục.
Tuần trước xuất hiện nhiều nghi ngại về đàm phán thương mại Mỹ-Trung, dù sự lạc quan của nhà đầu tư dần được cải thiện khi các quan chức Mỹ có quan điểm tích cực hơn.
Ngày 16/11, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hai bên đã có những “cuộc trao đổi mang tính xây dựng” qua điện thoại giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Shane Oliver, chuyên gia kinh tế trưởng và trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Quỹ quản lý đầu tư AMP Capital (Australia) cho rằng, thị trường vẫn đứng trước nhiều rủi ro ngắn hạn xoay quanh câu chuyện thương mại (Mỹ-Trung), vấn đề Iran và Trung Đông và số liệu kinh tế toàn cầu sụt giảm.
Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ lên điểm kỷ lục phiên cuối tuần trước 15/11. Trong đó, S&P 500 đóng phiên tăng 0,77% giúp chỉ số này duy trì đà lên điểm 6 tuần giao dịch liên tiếp. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đóng cửa tăng 0,8%, còn Nasdaq Composite nhích 0,73%.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác sáng nay biến động quanh mức 97,954.
Sau phiên lên giá cuối tuần trước, đồng yên Nhật Bản sáng nay giao dịch ổn định ở mức 108,72 JPY/USD. Đồng euro tăng giá từ 1 EUR đổi 1,0987 USD lên 1 EUR/1,1054 USD. Nhà đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu quan trọng đầu tiên của Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde về chính sách tiền tệ thời gian tới.
Đô la Mỹ và trái phiếu được dự báo sẽ có nhiều biến động sau khi biên bản cuộc họp chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ được công bố ngày 20/11 tới.
Joseph Capurso, chuyên gia phân tích tiền tệ tại Ngân hàng Commonwealth Bank (Australia) dự đoán, biên bản cuộc họp có thể sẽ tái khẳng định kinh tế Mỹ vẫn “vững chắc” và các thiết lập chính sách tiền tệ hiện nay là “phù hợp”, do đó sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho đô la Mỹ.
Ông Capurso cũng lưu ý báo cáo doanh số bán lẻ tháng 10 của Mỹ được phát hành cuối tuần trước cho thấy thị trường tiêu dùng tăng mạnh đang cho thấy những vết rạn.
Bất kỳ sự sụt giảm nào trong tiêu dùng có thể là cơ sở để xem xét lại triển vọng chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed. FOMC có thể sẽ cắt giảm lãi suất thêm lần nữa vào năm 2020, ông Capurso nói.
Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay tiếp tục lên giá sau khi giá dầu thô Brent giao kỳ hạn phiên 15/11 đạt mốc kỷ lục trong 7 tuần qua. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 2 cent lên 63,32 USD/thùng, còn giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ nhích thêm 3 cent lên 57,75 USD/thùng.