Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,46% trong phiên giao dịch sáng nay 11/5. Ảnh: AFP |
Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng dẫn đầu làn sóng tăng điểm tại khu vực với mức tăng 1,82% ngay đầu phiên. Hai chỉ số Nikkei 225 và Topix của Nhật Bản tăng sát nút nhau lần lượt 1,6% và 1,61% còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc nhích 0,46%.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đón sắc xanh lúc mở phiên, với chỉ số Shanghai Composite nhích 0,38% còn Shenzhen Composite tăng mạnh hơn với 0,436%. Chứng khoán Australia sáng nay cũng giao dịch trong vùng tích cực, với chỉ số S&P/ASX 200 tăng 1,14%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng cao 1,03%.
Nhà đầu tư đang theo sát các diễn biến xung quanh đại dịch Covid-19 sau khi các nền kinh tế tái khởi động sau thời gian dài chống Covid-19. Thủ tướng Anh Boris Johnson cuối tuần qua lên kế hoạch dần kích hoạt lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong khi đó, Tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới Walt Disney dự kiến mở cửa trở lại công viên giải trí Disneyland tại Thượng Hải trong ngày 11/5.
Tuy nhiên, việc kích hoạt lại các hoạt động kinh tế xã hội vẫn được giữ ở mức thận trọng. Theo Reuters, Hàn Quốc hôm 10/5 cảnh báo nguy cơ làn sóng nhiễm Covid-19 thứ 2, vài ngày sau khi quốc gia này được ca ngợi vì phản ứng chống Covid-19 nhanh chóng và nới lỏng các biện pháp hạn chế.
“Rõ ràng nếu chúng ta mở cửa trở lại quá nhanh, thì nó sẽ để lại những hậu quả đáng kể”, ông Michael Yoshikami, nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty tư vấn tài chính và quản lý tài sản Destination Wealth Management lo ngại. “Cần phải cân nhắc rằng chúng ta có thực sự đang đánh đổi không và câu hỏi được đặt ra: Liệu sự đánh đổi đó có thực sự xứng đáng không”, Yoshikami nói thêm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể tồi tệ hơn so với trước. Tại thời điểm chính quyền Washington tìm cách kích hoạt lại nền kinh tế thì tỷ lệ thất nghiệp đã chạm mức 25%. Đáng nói là những bình luận của ông Mnuchin được đưa ra sau khi Mỹ công bố số người mất việc trong tháng 4 tăng kỷ lục lên 20,5 triệu.
Trên toàn cầu, hơn 4 triệu người đã mắc Covid-19 trong khi ít nhất 282.550 người tử vong vì virus này, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Thị trường tiền tệ sáng nay ghi nhận chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tuột mốc 100 thiết lập tuần trước về 99,768. Đồng yên Nhật Bản suy yếu và giao dịch 106,96 JPY/USD trong khi đô la Australia mạnh lên và trao tay 1 AUD/0,6542 USD.
Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay đi xuống, với giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 1,71% còn 30,44 USD/thùng còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt giá 2,26% về 24,18 USD/thùng.