Chứng khoán châu Á phiên sáng 14/10 ngập sắc xanh sau tin tốt về thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: AFP |
Chỉ số Hàn Quốc Kospi mở phiên tăng 1,27% nhờ sức kéo của cổ phiếu các nhà sản xuất chip lớn như Samsung và SK Hynix với mức tăng lần lượt 2,14% và 1,5%. Tuần trước Samsung công bố hướng dẫn lợi nhuận quý 3/2019 của hãng này đạt kết quả tốt hơn dự báo của giới quan sát thị trường. Kết quả kinh doanh đầy đủ của Samsung dự kiến sẽ được công bố cuối tháng này.
Tại Australia, chỉ số ASX 200 tăng 0,83% khi hầu hết các nhóm cổ phiếu đồng loạt lên điểm. Chỉ số riêng biệt tài chính tăng 1,06% nhờ cổ phiếu nhóm 4 “ông lớn” ngân hàng Australia đều đi lên. Cổ phiếu ANZ ghi nhận mức tăng cao nhất nhóm với 1,2%, theo sau là cổ phiếu Ngân hàng Quốc gia Australia tăng 1,06%, ngân hàng Westpac (0,89%) và Commonwealth Bank (0,79%).
Giới đầu tư đang trông đợi báo cáo hoạt động thương mại của Trung Quốc trong tháng 9, dự kiến được công bố sáng nay. Thị trường Nhật Bản hôm nay đóng cửa nghỉ lễ.
Sau những bế tắc thương mại kéo dài, Washington và Bắc Kinh cuối tuần trước đã đạt thỏa thuận một phần nhằm mở đường giải quyết các vấn đề tranh chấp lớn hơn kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra và liên tiếp các đòn thuế quan áp lên hàng tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, thuế quan đối với 250 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu Trung Quốc được Mỹ dự kiến tăng từ 25% lên 30% vào ngày 15/10 sẽ không được thực hiện.
Tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump khẳng định hai bên đã đạt được “thỏa thuận giai đoạn 1 rất quan trọng” giúp giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính, cùng với đó Trung Quốc sẽ mua khoảng 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ.
Tuy nhiên, các mức thuế quan khác mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc vẫn có hiệu lực.
Theo các nhà phân tích của tập đoàn tài chính Citigroup, Trung Quốc thường chi khoảng 20 tỷ USD nhập khẩu nông sản Mỹ, do vậy con số (40-50 tỷ USD) mà ông Trump công bố là “quá lớn”.
“Mặc dù đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung vừa qua đạt kết quả tích cực, nhưng vẫn cần thận trọng với thỏa thuận thương mại cuối cùng giữa hai bên, các nhà phân tích Citigroup lưu ý.
Những đề xuất của Mỹ khác xa những gì Trung Quốc mong muốn, đơn cử một số đề xuất được nêu trong Sách trắng mà Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố hồi tháng 6, gồm nhập khẩu hàng hóa Mỹ ở mức hợp lý, bỏ thuế quan hiện hành và ban hành văn bản về đối xử thương mại công bằng.
Việc Washington quyết định không tăng thuế 5% (từ 25% lên 30%) đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ tác động không đáng kể lên kinh tế Trung Quốc, các nhà phân tích Citigroup đánh giá. Tuy nhiên, thỏa thuận một phần mà hai bên vừa đạt được khó có thể đảm bảo chắc chắn để doanh nghiệp ra quyết định đầu tư và tuyển dụng.
Chứng khoán phố Wall ghi nhận phiên tăng vọt cuối tuần trước (ngày 11/10) nhờ tin tốt về đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones bật tăng hơn 400 điểm còn S&P 500 và Nasdaq cũng ngập sắc xanh.
Chứng khoán châu Âu cũng đóng cửa tăng mạnh nhờ tín hiệu tích cực từ đám phán thương mại Mỹ - Trung và Brexit (Anh rời EU). Chỉ số pan-European Stoxx 600 chốt phiên tăng hơn 2%, với cổ phiếu ngân hàng tăng gần 5% và cổ phiếu các ngành khác đều trong vùng tích cực.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ mốc 98,700 thiết lập cuối tuần trước về 98,420.
Đồng yên Nhật Bản sáng nay trượt giá về mức 108,34 JPY đổi 1 USD so với mức 107,00 JPY/USD cuối tuần trước. Đô la Australia lên giá nhẹ và giao dịch ở mức 1 AUD “ăn” 0,6784 USD.
Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay sụt giảm. Dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt giá 0,46% về 54,45 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 0,4% về 60,27 USD.
Trước đó, giá dầu phiên cuối tuần trước (11/10) tăng 2% sau khi 1 tàu chở dầu của Iran bị tấn công ở ngoài khơi Saudi Arabia, khiến căng thẳng định chính trị tại khu vực Trung Đông leo thang.