Chứng khoán Trung Quốc đại lục chiều nay ghi nhận sắc xanh với chỉ số Shenzhen Composite nhích 0,293%, còn Shanghai Composite chủ yếu đi ngang. Ảnh: AFP |
Chứng khoán Trung Quốc đại lục chiều nay ghi nhận sắc xanh với chỉ số Shenzhen Composite nhích 0,293%, còn Shanghai Composite chủ yếu đi ngang. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong lên điểm 0,69% nhờ sức kéo của cổ phiếu hai “ông lớn” công nghệ Alibaba và Tencent tăng điểm trên 1%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,25%, trong khi Topix diễn biến đi ngang. Số liệu công bố hôm nay 6/12 cho thấy sau khi Nhật Bản áp dụng tăng thuế doanh thu từ tháng 10, chi tiêu hộ gia đình tại nước này trong tháng 10 đã lao dốc 5,1%.
Chứng khoán Hàn Quốc lên điểm nhỉnh hơn so với thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Chỉ số Kospi tăng 0,86% nhờ cổ phiếu “nặng ký” của hai “đại gia” ngành điện tử Samsung Electronics và SK Hynix đều vọt lên 2%.
Trong khi đó, chứng khoán Australia ghi nhận diễn biến tích cực với chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,26%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,42%.
Chứng khoán Mỹ đêm qua chốt phiên không nhiều sóng gió. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 28,01 điểm và đóng cửa ở mức 27.677,79, còn S&P 500 chốt phiên với 3.117,43 điểm, tăng 0,16%. Trong khi đó, Nasdaq Composite lên điểm 0,1% đạt 8.570,70 điểm.
Chính quyền Mỹ dự kiến công bố báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 11 - báo cáo phản ánh bức tranh khái quát thị trường việc làm Mỹ - lúc 9:30 tối nay (giờ Hong Kong).
Những ngày qua, các thị trường chứng khoán mở phiên với đầy bất trắc khi ngày 15/12 - thời điểm Mỹ kích hoạt thuế quan mới lên hàng Trung Quốc - đang đến gần.
Tạp chí Phố Wall hôm 5/12 đưa tin, Washington và Bắc Kinh vẫn bất đồng về khối lượng nông sản mà Trung Quốc cam kết nhập khẩu từ Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc chưa cho thấy nhiều dấu hiệu đàm phán thương mại với Mỹ đang tiến triển.
Đầu tuần này, chứng khoán thế giới được phen lao đao khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có thể hoãn thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sau bầu cử Mỹ năm 2020.
Vasu Menon, giám đốc điều hành chiến lược đầu tư tại Ngân hàng OCBC Singapore đánh giá, các thị trường vẫn đang được “an ủi” bởi chí ít căng thẳng đàm phán thương mại Mỹ - Trung không leo thang mà cũng không bị đổ bể. Đàm phán thương mại hai bên đang diễn ra nên vẫn còn hy vọng.
Bất đồng rõ nhất hiện nay là việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc tăng cường mua nông sản của nước này, đổi lại Bắc Kinh muốn Washington gỡ bỏ thêm thuế quan, Menon bình luận.
Trên thị trường tiền tệ, nhìn lại tuần qua chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác hôm nay trượt từ mốc 98,0 hồi đầu tuần về 97,372.
Đồng yên Nhật Bản mạnh lên và giao dịch ở mức 108,67 JPY “ăn” 1 USD, còn đô la Australia cũng lên giá và trao tay 1 AUD đổi 0,6841 USD.
Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay sụt giảm với dầu Brent giao kỳ hạn trượt giá 0,36% còn 63,16 USD/thùng, còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,29% còn 58,26 USD/thùng.