Chứng khoán Trung Quốc đại lục "xanh sàn" trong ngày giao dịch 16/11. Ảnh: Shutterstock |
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với sự tham gia của Việt Nam và 14 quốc gia thành viên khác đã được ký kết vào ngày 15/11 và mục tiêu đề ra là giảm thuế quan đối với hàng hóa khu vực.
Theo kênh truyền hình CNBC, hiệp định RCEP thiết lập khu vực thương mại lớn nhất thế giới mà không có sự tham gia của Mỹ, nhưng đây là hiệp định đầu tiên quy tụ ba "siêu cường" kinh tế của Đông Á, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong cùng một liên minh hợp tác thương mại.
Trong thông cáo phát đi sáng nay 16/11, Ngân hàng Mizuho đánh giá hiệp định RCEP là "chiếc phao cứu sinh muộn màng nhưng cần thiết cho thương mại toàn cầu". "Việc đạt được RCEP và những tham vọng của hiệp định, đơn cử như xóa bỏ khoảng 92% dòng thuế quan, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố các liên kết chuỗi cung ứng", Ngân hàng Mizuho nhận định.
Chứng khoán Nhật Bản hôm nay tăng điểm mạnh mẽ sau thông tin nền kinh tế nước này trong quý III/2020 tăng phi mã 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Còn so với quý II, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 5%, cao hơn dự báo 4,4% trước đó. Đây là những chỉ dấu cho thấy kinh tế Nhật Bản đang trên đà hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 hôm nay đóng cửa tăng 2,05% lên 25.906,93 trong khi chỉ số Topix đạt 1.731,81 điểm, tăng 1,68%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng gần 2% lên 2.543,03.
Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Nhật Bản hôm nay hưởng lợi từ việc hiệp định RCEP được ký kết. Cổ phiếu Mazda tăng vượt trội trong nhóm cổ phiếu ô tô với mức tăng 6,82%, theo sau là cổ phiếu Honda và Nissan cùng tăng khoảng 5%. Trong khi đó, cổ phiếu Mitsubishi lên điểm 2,54%.
Trên thị trường châu Á, nhóm cổ phiếu công nghệ cũng ghi nhận sóng tăng dâng cao. Cổ phiếu Tokyo Electron và Panasonic cùng tăng gần 5%, trong khi cổ phiếu tập đoàn công nghệ Softbank lên điểm 1,83%. Tại Hàn Quốc, cổ phiếu Samsung Electronics đạt mức tăng 4,91% còn cổ phiếu SK Hynix vọt tăng 9%.
Sắc xanh cũng được duy trì trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, với chỉ số Shanghai Composite lên điểm 1% và đạt mức 3.346,97, còn chỉ số Shenzhen Component nhích 0,7% lên 13.850,83 điểm.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm nay đón nhận thông tin tích cực về tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 9. Sản xuất công nghiệp tháng 9 của nước này tăng vượt dự báo với mức tăng 6,9%. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tháng 9 tiếp tục có dấu hiệu hồi phục, nhưng mức tăng chưa được như kỳ vọng vì chỉ đạt 4,3%, thay vì tăng 4,9% như dự báo.
Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng nhích lên 0,58% trong phiên chiều nay với lực kéo chính từ nhóm cổ phiếu casino và tài chính. Đáng kể, cổ phiếu Standard Chartered tăng vọt 4,8% trong khi cổ phiếu HSBC đạt mức tăng 3,49%.
Chứng khoán Australia hôm nay tạm ngưng hầu như toàn phiên và nguyên nhân được xác định là do "dữ liệu thị trường không chính xác". Sàn chứng khoán Australia cho biết đơn vị này sẽ giải quyết trục trặc trên sau đêm nay và kích hoạt các giao dịch như bình thường vào ngày 17/11.
Tính chung lại, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 1,28%.
Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ đêm qua ghi nhận diễn biến trái chiều. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 cán mốc mới với mức tăng cao nhất trong tuần qua 2,2%, trong khi hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones cũng đánh dấu mức tăng kỷ lục trong ngày với 4%. Trái lại, hợp đồng tương lai chỉ số Nasdaq Composite giật lại sau cú trượt nhẹ 0,6%.
Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục chịu tác động lớn từ diễn biến Covid-19 tại Mỹ sau khi nước này ghi nhận số ca nhập viện vì Covid-19 tiếp tục lập đỉnh mới trong ngày 13/11. Nhiều bang tại Mỹ đang kích hoạt các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trước thềm nghỉ lễ Giáng sinh.
Sau cú trượt dốc hơn 2% trong ngày 13/11, giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay tiếp tục đi lên. Trong đó, dầu Brent giao kỳ hạn lên giá 1,24% và đạt 43,31 USD/thùng, còn dầu thô giao sau của Mỹ tăng giá mạnh hơi với 1,47% và giao dịch 40,72 USD/thùng.
Thị trường tiền tệ hôm nay chứng kiến đồng bạc xanh suy yếu. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác giảm còn 92,614, từ mức 92,9 thiết lập cuối tuần trước. Đồng yên Nhật Bản lên giá và quy đổi 104,46 JPY/USD, so với mức 105 JPY/USD thiết lập tuần trước, trong khi đô la Australia giữ giá quanh mức 1 AUD/0,7285 USD.