Thời sự
Chứng khoán châu Á trái chiều giữa những ngổn ngang Brexit
Lê Quân - 21/10/2019 10:16
Chứng khoán châu Á mở phiên đầu tuần 21/10 với những diễn biến trái ngược nhau sau những bất ổn về việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) xuất hiện cuối tuần trước.
Chứng khoán châu Á mở phiên đầu tuần 21/10 với những diễn biến trái ngược nhau. Ảnh: AFP

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 nhích nhẹ 0,19% còn Topix tăng 0,35%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc lên điểm 0,2%, trong khi ASX 200 của Australia ngược sóng mất 0,29% do hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giảm điểm.

Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) đi ngang.

Tiến trình Brexit mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đang thúc đẩy đã vấp phải sự cản trở của một nhóm chính trị gia đa đảng trong quốc hội. Các chính trị gia này đã bỏ phiếu hoãn thực hiện bỏ phiếu đối với dự thảo thỏa thuận Brexit mà ông Johnson mới đạt được với EU. Do đó, buộc ông Johnson phải đề nghị EU gia hạn Brexit sau ngày 31/10 như dự kiến. Tuy nhiên khả năng Brexit sẽ được tiến hành ngày 31/10 vẫn để ngỏ, bởi các lãnh đạo EU không nhất thiết phải chấp nhận đề nghị trên.

Tuần này, chính phủ Anh dự kiến trình dự thảo thỏa thuận rút khỏi EU để cả thượng viện và hạ viện cho ý kiến. Sau đó, các nhà làm luật Anh sẽ bỏ phiếu quyết định đối với dự thảo cũng trong tuần này.

Đồng bảng Anh lên giá và trao tay ở mức 1 GBP “ăn” 1,2914 USD và nhiều khả năng sẽ biến động mạnh nhưng theo hướng tích cực, bởi cơ hội thực hiện Brexit “cứng” (không có thỏa thuận) là rất mong manh. Việc tiếp tục trì hoãn Brexit hay phê chuẩn dự thảo thỏa thuận Brexit sẽ được quyết định trong tuần này, các chuyên gia tiền tệ tại Ngân hàng Commonwealth Bank (Australia) nhận định.

Trên mặt trận thương mại, Reuters dẫn lời Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho hay, đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã đạt được tiến triển quan trọng. Sau khi thống nhất thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi đầu tháng, Bắc Kinh và Washington đang nỗ lực chắp bút thỏa thuận này.

Hai bên đã áp thuế quan lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau, khiến thị trường thương mại và đầu tư toàn cầu trao đảo và đe dọa tới triển vọng kinh tế toàn cầu. Cuối tuần trước, Trung Quốc công bố GDP quý 3/2019 tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đây được cho là mức tăng chậm nhất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong 27 năm qua.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang đè nặng lên ngành sản xuất và hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ mà Bắc Kinh triển khai thời gian qua chỉ bù đắp phần nào cho nền kinh tế, ông Rodrigo Catril, chuyên gia ngoại hối cao cấp tại Ngân hàng Quốc gia Australia đánh giá.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và các quan chức nước này đang rất lo ngại về căng thẳng với Mỹ, đồng thời cố gắng điều chỉnh lại hệ thống tài chính và hạn chế tăng trưởng tín dụng quá mức. Nếu Mỹ không gỡ bỏ thuế quan lên hàng Trung Quốc, thì kinh tế Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục đi xuống, ông Catril nhận định.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác sáng nay tuột mốc 97,400 thiết lập tuần trước xuống còn 97,313. Đồng yên Nhật Bản trượt giá và trao tay ở mức 108,42 JPY đổi 1 USD, còn đô la Australia giao dịch ở mức 1 AUD đổi 0,6850 USD.

Tin liên quan
Tin khác