Chứng khoán Hong Kong bật tăng trong phiên 17/10 trong khi thị trường châu Á ảm đạm do lo ngại tình hình thương mại tại Mỹ và châu Âu. Ảnh: AFP |
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,65% nhờ cú hích từ cổ phiếu bất động sản. Cổ phiếu bất động sản Hong Kong tăng vọt sau khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Trưởng khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) công bố các biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở tại Hong Kong và xoa dịu biểu tình chống chính quyền.
Cổ phiếu của công ty phát triển bất động sản New World Development vọt lên 3,53%, còn cổ phiếu của Henderson Land và CK Asset tăng lần lượt 2,48% và 1,67%.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục diễn biến trái chiều. Chỉ số Shanghai Composite mất 0,05%, trong khi Shenzhen Composite ngược sóng và tăng 0,13%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,16% còn Topix sụt giảm 0,23%. Chỉ số Kospi and Kosdaq của Hàn Quốc lần lượt giảm 0,11% và 0,28%.
Trong khi đó, chứng khoán Singapore sụt giảm 0,16%. Theo số liệu công bố hôm nay, xuất khẩu của Singapore (trừ dầu mỏ) giảm 8,1% trong tháng 9 - sâu hơn mức 7% mà Reuters đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó. Kết quả tháng 9 đánh dấu tháng thứ 7 sụt giảm liên tiếp trong hoạt động xuất khẩu của quốc đảo này.
Tại Australia, chỉ số ASX 200 trượt 0,07% do nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm 1,33%. Đáng chú ý, cổ phiếu của tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới BHP Group trượt dốc 2,39% sau khi công ty này công bố sản lượng quặng sắt trong quý 3/2019 sụt giảm do tiến hành công tác bảo trì theo kế hoạch. Đối với năm 2020, BHP Group vẫn giữ nguyên dự báo sản lượng.
Nền kinh tế Australia cũng đón tin có lợi khi số lượng việc làm mới tại nước này tăng 14.700 trong tháng 9. Sau tin tốt này, đô la Australia lên giá 0,4% và trao tay ở mức 1 AUD “ăn” 0,6785 USD.
Chứng khoán Mỹ “đỏ sàn” trong phiên 16/10 do doanh thu bán lẻ tháng 9 của nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt giảm và bóng ma thương chiến vẫn tiếp diễn.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 22,82 điểm (tương đương 0,1%) và chốt phiên ở mức 27.001,98. S&P 500 trượt 0,2% về 2.989,69 điểm, còn Nasdaq Composite sụt giảm 0,3% còn 8.124,18 điểm.
Từng là “điểm sáng” của kinh tế Mỹ, doanh thu bán lẻ bất ngờ giảm 0,3% trong tháng 9. Đây là lần giảm đầu tiên trong 7 tháng qua. Doanh số xe gắn máy và các đơn hàng online giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến doanh thu bán lẻ Mỹ "tụt ga".
Hôm qua 16/10 - 1 ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU, đàm phán Anh rời EU (Brexit) đột nhiên chững lại. Đài BBC dẫn nguồn tin chính phủ Anh cho hay “sẽ không có thỏa thuận trong đêm nay” bởi các quan chức vẫn tiếp tục thương thảo về các chi tiết mang tính kỹ thuật trong quá trình đàm phán tại Brussels, Bỉ.
Thỏa thuận Brexit sẽ phải được EU và sau đó là Quốc hội Anh chấp thuận. Nếu thỏa thuận không được chấp thuận trước ngày 19/10, về mặt pháp lý Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải đề nghị EU lùi thời hạn Brexit sau thời điểm 31/10.
Đồng bảng Anh trượt giá từ mức 1 GBP đổi 1,2300 USD cuối tuần trước về 1 GBP/1,2822 USD.
Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tụt mốc 98,400 thiết lập hồi đầu tuần còn 97,988. Đồng yên Nhật Bản cũng suy yếu và quy đổi ở mức 108,81 JPY “ăn” 1 USD.