Thời sự
Chứng khoán châu Á vẫn trụ vững sau “sóng gió” lợi suất trái phiếu Mỹ
Lê Quân - 28/08/2019 17:22
Chứng khoán châu Á vẫn giữ sắc xanh phiên sáng 28/8 sau khi đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đảo chiều về mốc tồi tệ nhất trong hơn một thập niên.
Nguồn ảnh: CNBC

Ngay đầu phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 0.21%, còn Topix tăng không đáng kể. Chỉ số Kospi trên thị trường Hàn Quốc lên điểm 0,36%.

Căng thăng thương mại Nhật - Hàn tiếp tục leo thang khi Nhật Bản dự kiến ngày 28/8 sẽ chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại được ưu đãi.

Trước đó, vào trung tuần tháng 8 Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc đã công bố "Dự thảo sửa đổi Hướng dẫn xuất nhập khẩu vật tư chiến lược" với nội dung xóa tên Nhật Bản trong "Danh sách Trắng" các nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu.

Tại thị trường Australia, chỉ số S&P/ASX 200 nhích nhẹ 0,1%. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,13%.

Giới đầu tư đang theo sát diễn biến thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ sau khi chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 2 năm giảm xuống âm 5 điểm cơ bản trong phiên 27/8, mức thấp nhất kể từ năm 2007. Hiện tượng này được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược và lịch sự cho thấy đây là “điềm báo” cho một cuộc suy thoái.

Hiện tượng đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đảo ngược tiếp tục được duy trì đầu sáng nay 28/8 (giờ châu Á), với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đứng ở mức 1,4761%, thấp hơn mức 1,522% của trái phiếu kỳ hạn 2 năm.

Chứng khoán Mỹ nhuốm sắc đỏ phiên 27/8 khi hy vọng thương chiến Mỹ - Trung hạ nhiệt trở nên mong manh và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones chốt phiên giảm 120,93 điểm về mức 25.777,90. Chỉ số S&P 500 trượt 0,32% và đóng phiên ở mức 2.869,16 điểm. Nasdaq Composite đóng cửa về mức 7.826,95 điểm, giảm 0,34%.

Thương chiến Mỹ - Trung leo thang với các đòn trả đũa thuế quan dồn dập cuối tuần trước đang đè nặng tâm lý nhà đầu tư.

Trung Quốc “không chú trọng nhiều đến đàm phán thương mại với Mỹ và Washington sẽ gặp khó hơn khi buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ, bởi lẽ kinh tế Trung Quốc đang được thúc đẩy bởi tăng trưởng trong nước, ông Hu Xijin, Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đăng tải trên trang cá nhân.

Hôm qua 27/8, Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích tiêu dùng trong nước và nhiều khả năng sẽ gỡ bỏ quy định hạn chế mua ô tô.

Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác đã tuột mốc 98,4 và giảm về mức 98.022. Đồng yên Nhật trượt giá và giao dịch ở mức 105,77 JPY đổi 1 USD sau khi đạt mức 105,6 JPY đổi 1 USD trong phiên 27/8.

Giá dầu trên thị trường châu Á đã tăng trong phiên sáng 28/8, với giá dầu thô Brent kỳ hạn giao sau nhích nhẹ 0,86% lên 60,02 USD/thùng và dầu thô kỳ hạn của Mỹ tăng 1,27% lên 55,63 USD/thùng.

Tin liên quan
Tin khác