Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Diễn biến tích cực này, theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, phản ánh qua "phong vũ biểu" của nền kinh tế - TTCK tăng trưởng mạnh, khi VN-Index đã vượt đỉnh mọi thời đại 1.196 điểm, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam.
GDP quý I/2018 tăng cao, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Lê Quang Mạnh là do đà tăng mạnh của quý III và IV/2017, nên để duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong thời gian tới là không đơn giản.
So với nền GDP tăng trưởng cao như các quý III và IV/2017, thì quý III và IV/2018 sẽ khó tăng cao như quý I vừa rồi.
Trong năm 2017, có một số dự án góp sức cho tăng đột biến ở các quý cuối năm như các dự án của Samsung, Formosa...
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quang Mạnh, quý I/2018, nền kinh tế đã huy động cơ bản tốt các nguồn lực phục vụ tăng trưởng, nhưng các nhân tố cho sự tăng trưởng đột biến vào cuối năm nay lại chưa thể hiện rõ...
Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 3 vừa diễn ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không hài lòng, tự mãn với những kết quả đã đạt được; cần phải kiên trì, khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững cả về lượng và chất trong năm nay, cũng như giai đoạn tới.
Trong 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 với mức tăng 6,7% và 6,8% mà Bộ Kế hoạch và Ðầu tư trình, Chính phủ thống nhất phấn đấu đạt tối thiểu 6,7% và cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo.
Chính phủ thể hiện sự thận trọng trong triển vọng tăng trưởng sắp tới, bởi thực tế nền kinh tế, cũng như hoạt động của doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, quý I/2018 có trên 12.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số giải thể trên 3.300 doanh nghiệp, lần lượt tăng 22,9% và 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước tăng thấp khi chỉ tăng 4,4%, trong khi cùng kỳ giai đoạn 2016-2017 lần lượt tăng 5,3% và 5,9%.
Tuy CPI tháng 3/2018 giảm và CPI quý I tăng thấp, nhưng lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng do giá dầu thô và hàng hóa cơ bản của thế giới có xu hướng tăng, một số hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường...
Năm 2018, mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 6,7% đã được Chính phủ định rõ. Trên TTCK, kể từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng trên 21%, từ 984 điểm vào cuối năm 2017 lên mức 1.196 điểm chốt phiên 2/4/2018.
Chỉ số chứng khoán tăng gấp 3 lần mức tăng trưởng của nền kinh tế cho thấy, dòng tiền đầu tư tài chính đang phản ứng quá tích cực với kỳ vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, của nền kinh tế 2018.
Ở đỉnh mới 1.196 điểm, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, “phía trước là bầu trời” và chứng khoán sẽ lên 1.500 điểm, nhưng cũng không ít công ty chứng khoán đã lên tiếng cảnh bảo về một cú sụt giảm cần thiết, để nền chứng khoán lấy lại bình tĩnh, bước đi cân bằng và song hành với thực lực tăng trưởng của kinh tế nói chung.