Trong quý I/2024, Nhật Bản ghi nhận số tiền bị lừa đảo đầu tư tăng 7 lần so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Cơ quan Cảnh sát quốc gia. Số liệu này bắt đầu được theo dõi kể từ tháng 1/2023 và các thông tin mới nhất cho thấy, khoảng 1.700 vụ lừa đảo đầu tư đã được báo cáo trong 3 tháng đầu năm 2024, với quy mô trung bình khoảng 13 triệu yên (83.500 USD) mỗi vụ.
“Nhật Bản chỉ chú trọng rèn giũa con người làm việc chăm chỉ và tiết kiệm. Đối với hoạt động đầu tư, người dân chỉ như những đứa trẻ”, Kazuhide Saijo, Chủ tịch Cơ quan Điều tra tội phạm lừa đảo cho biết.
Các vụ lừa đảo đầu tư gia tăng về số lượng và quy mô tại thị trường Nhật Bản. |
Trong bối cảnh tội phạm lừa đảo đầu tư gia tăng trong vài năm gần đây trên toàn cầu, nước Nhật dường như nằm ngoài vùng phủ sóng, mà nguyên nhân là môi trường giảm phát trong thời gian dài dẫn tới người dân chỉ có thói quen tiết kiệm, giữ tiền mặt, thay vì đầu tư. Tuy nhiên, khi lạm phát quay trở lại mức cao nhất 4 thập kỷ qua tại Nhật, kết hợp với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và các biện pháp cổ vũ tiêu dùng - đầu tư của Chính phủ, người dân bắt đầu tham gia hoạt động đầu tư và cơ hội cho tội phạm lừa đảo đầu tư cũng nở rộ.
Endo, một người phụ nữ khoảng hơn 60 tuổi bị thu hút bởi quảng cáo đầu tư trên Facebook vào hè năm 2023. Sau khi click vào đường dẫn, bà được mời tham gia vào nhóm đầu tư trên nền tảng mạng xã hội này. Ban đầu, bà có các khoản đầu tư có lãi và tiếp tục được mời chào đầu tư thêm tiền.
Tương tự các mánh khoé lừa đảo khác, dưới sự cổ vũ của các đối tượng, bà không chỉ đầu tư hết số tiền tiết kiệm mà còn vay thêm tiền để đầu tư. Cuối cùng, bà đã nộp hơn 20 triệu yên cho nhóm đầu tư này. Tuy nhiên, tới tháng 12/2023, khi cố rút tiền khỏi ứng dụng giao dịch, Endo mới nhận ra bà đã bị lừa. Ứng dụng này là giả mạo và số tiền đầu tư thực tế đã được chuyển vào túi người khác, không nằm trên thị trường chứng khoán.
Endo chắc chắn không phải trường hợp duy nhất bị hấp dẫn bởi hoạt động đầu tư này. Người dân Nhật Bản đã gia tăng đột biến hoạt động đầu tư, với số tiền dành cho đầu tư tăng 29,2% tính tới cuối năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, trong khi lượng tiền tiết kiệm chỉ tăng 1%, theo số liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa công bố.
Chỉ số Nikkei 225 đạt kỷ lục mới năm 2024. |
Thực tế, lượng tiền dưới dạng tiền mặt, tiền gửi tiết kiệm của các hộ dân Nhật Bản vẫn chiếm hơn một nửa tài sản của người dân, tỷ lệ cao hơn nhiều so với con số 12,6% tại Mỹ và 35,5% tại khu vực châu Âu. Theo đó, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách đẩy dòng vốn này vào thị trường, cổ vũ sự dịch chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư bằng cách đánh thêm thuế vào các tài khoản tiết kiệm và hưu trí.
Các đối tượng lừa đảo cũng nhắm vào khoản tiền này của người dân, nhất là trong bối cảnh rất ít người có hiểu biết và kiến thức về tài chính. Mayuko Suzuki, giáo sư tại Đại học Osaka Kyoiku cho biết, Nhật Bản có truyền thống ít đào tạo về đầu tư, xây dựng gia sản, thay vào đó các hoạt động giáo dục tập trung vào tiêu dùng và tiết kiệm.
Trong tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, sẽ có các biện pháp được công bố trong tháng 6 nhằm đối phó với vấn nạn lừa đảo đầu tư hiện nay, trong đó có các biện pháp tập trung vào trấn áp tội phạm.
Giới chức Nhật Bản cũng yêu cầu các nền tảng như Facebook của Meta có động thái ngăn chặn các quảng cáo đầu tư lừa đảo xuất hiện.
“Facebook đang kiếm lợi nhuận từ các quảng cáo hoạt động động lừa đảo đầu tư tại Nhật Bản”, Kokufu Taido, luật sư đại diện nhóm nạn nhân bị lừa đảo đang khởi kiện Meta cho biết. Vị này cũng chỉ ra những trở ngại trong quá trình điều tra liên quan tới ứng dụng nhắn tin Messenger của Facebook và các hội nhóm đầu tư khác trên nền tảng này.