Cả ba sàn chứng khoán đều có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm trong tuần thứ hai của tháng 6 |
Tuần biến động mạnh, VN-Index trở lại ngưỡng 1.351 điểm
Trái với xu hướng tăng điểm tích cực tuần trước, chứng khoán Việt Nam vừa đi qua một tuần nhiều “sóng gió”. Trên ba sàn, chỉ số chung ghi nhận ba phiên giảm và hai phiên hồi phục.
Dù đã kịp hồi phục và tăng mạnh nhất thế giới trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần (11/6), thống kê của StockQ, cho thấy VN-Index (chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam) rơi sâu nhất trong các sàn chứng khoán thế giới tuần qua.
So với cuối tuần trước, VN-Index giảm hơn 22 điểm, tương đương mức giảm 1,62%. Đã có thời điểm chỉ số sàn HoSE kiểm thử lại mốc trên 1.310 điểm vào giữa tuần nhưng sau đó bật trở lại và đóng cửa tuần ở mức 1.351,74 điểm. Tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index giảm 3,96% và 1,83%, hồi phục đáng kể so với thời điểm giữa tuần.
Thị trường điều chỉnh do áp lực chốt lời sau chuỗi tăng giá dài trước đây. Tuy nhiên, mức độ biến động lớn trong hai phiên đầu tuần còn bởi nguyên nhân khác. Sau khi dừng phiên giao dịch chiều 1/6 để đảm bảo an toàn hệ thống, nhiều công ty chứng khoán đồng loạt gửi thông báo đến khách hàng về việc tạm dừng tính năng hủy/sửa lệnh trên sàn HoSE. Một mặt, điều này giúp hệ thống giao dịch vốn đang trục trặc của HoSE có thể tiếp nhận được dòng tiền chảy vào ồ ạt từ thị trường, bởi theo ước tính các lệnh hủy/ sửa chiếm khoảng 28% lượng lệnh đặt vào. Nhưng mặt khác, không được phép hủy/sửa lệnh trong cả phiên cũng đồng thời tước quyền cơ bản của nhà đầu tư.
Cùng đó, tình trạng bảng điện tử “đứng hình” cũng kéo dài liên tục nhiều ngày. Nếu như ở tuần trước, nhiều nhà đầu tư chấp nhận đặt lệnh thị trường (MP) để mua cổ phiếu bằng mọi giá thì tuần vừa qua không ít bên, nhất là các nhà đầu tư đã lãi lớn sau thời gian nắm giữ cổ phiếu, lại đặt lệnh MP để bán bằng mọi giá. Biên độ giảm trong hai phiên 7/6 và 8/6 rất lớn.
Đà bán tháo chỉ dừng lại từ hôm 9/6. Cũng từ phiên giao dịch này, dòng tiền đã hạ nhiệt. Giá trị giao dịch sàn HoSE liên tục giảm, chỉ đạt 23.765 tỷ đồng ở phiên cuối tuần trước, mức thấp nhất kể từ ngày 27/5. Lượng tiền chảy vào thị trường không còn lớn như trước, có thể bởi nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn đứng ngoài thị trường, được xem là nguyên nhân hệ thống giao dịch sàn HoSE không còn trong tình trạng quá tải. Các lệnh có thể vào thị trường đến hết phiên, các công ty chứng khoán cũng dần thông báo gỡ bỏ việc dừng tính năng hủy/sửa lệnh.
Tuy nhiên, theo công văn từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM hôm 10/6, sàn này đã yêu cầu công ty chứng khoán quản lý sửa/ hủy lệnh khung giờ cao điểm. Các công ty chứng khoán sau đó cũng phát đi thông báo tới khách hàng về việc tính năng hủy /sửa lệnh có thể sẽ không thực hiện được. Song, do thị trường hạ nhiệt những ngày qua, việc hủy/ sửa lệnh vẫn được thực hiện bình thường. Nếu thị trường trở lại trạng thái nóng như các phiên đầu tháng 6, khả năng các CTCK sẽ lại áp dụng không cho hủy/sửa lệnh.
Trước tình hình “nghẽn” lệnh diễn ra dai dẳng, trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Quyết định thanh tra hành chính tại HoSE đã được Chánh Thanh tra Bộ Tài chính kỳ ngày 10/6. Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể, phù hợp với các quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM.
Cổ phiếu được mua vào nhiều nhất trong tuần vừa rồi là VPB với giá trị giao dịch cả tuần lên tới hơn 16.920 tỷ đồng, tương đương bình quân 3.384 tỷ đồng/phiên. Cổ phiếu này đóng cửa ở mức giá 71.700 đồng/cổ phiếu, không thay đổi sau một tuần và nhìn chung chỉ dao động biên độ hẹp trong tuần.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác lại rơi sâu hơn nhiều như BID giảm 7,75%. Đây cũng là cổ phiếu kéo VN-Index giảm nhiều nhất tuần qua. VCB, TCB, MBB, ACB, EIB đều nằm trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số. Trên sàn HNX, SHB cũng là yếu tố kéo chỉ số chung rơi sâu.
Cổ phiếu của VietinBank cũng có thời điểm giảm sâu nhưng phiên tăng trần hôm 11/6 lại giúp CTG đóng cửa nhỉnh hơn phiên cuối tuần trước.
Trong khi dòng tài chính biến động khá mạnh trước áp lực chốt lời, sự hồi phục của cổ phiếu hàng tiêu dùng là VNM và SAB lại “nâng đỡ” chỉ số sàn HoSE khá nhiều. Hai hãng hàng không gồm VJC và HVN cũng tăng lần lượt 7,54% và 7,14%. Một số cổ phiếu dự kiến được hưởng lợi từ sự phục hồi của các thị trường sau đại dịch, đặc biệt là thị trường Mỹ, cũng ghi nhận một vài phiên “tỏa sáng” như Vicostone hay nhóm thủy sản.
Khối ngoại phát tín hiệu mua ròng trở lại, riêng DXG bất ngờ bán mạnh
Khối ngoại tiếp tục bán ròng tuần thứ 6 liên tiếp. Vậy nhưng điểm tích cực là giá trị đã giảm còn 730 tỷ đồng, đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã có phiên mua ròng thứ ba liên tiếp.
Cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là PLX với giá trị mua ròng 357 tỷ đồng. Nhiều khả năng, cổ đông Nhật Bản ENEOS đang tích cực giải ngân cho đợt mua vào 25 triệu cổ phiếu đã đăng ký. Thống kê trên sàn HoSE cũng cho thấy đã có triệu cổ phiếu quỹ của Petrolimex được bán ra trong tuần.
Top 10 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất trong tuần đều được giải ngân trên 100 tỷ đồng như VRE (353 tỷ đồng), OCB (231 tỷ đồng), VHM (211 tỷ đồng), SSI (195 tỷ đồng)…
Ở chiều ngược lại, HPG vẫn tiếp tục bị khối ngoại chốt lời. Giá trị bán ròng tuần này đạt 1.156 tỷ đồng. DXG bất ngờ bị khối ngoại bán ra 966 tỷ đồng. Cổ phiếu có tới hai phiên giảm giá kịch sàn, khối lượng giao dịch cũng bất ngờ tăng vọt. Trong cơn bán tháo DXG tuần giao dịch vừa qua, nhiều cổ phiếu đã sang tay nhà đầu tư mới, cổ đông cũ chốt lời bởi vừa tuần trước DXG cũng mới xác lập đỉnh giá mới.
Đợt bán tháo này diễn ra ngay khi HĐQT của Tập đoàn Đất Xanh công bố nội dung họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào 26/6. Trong đó, công ty dự kiến thưởng 7 triệu cổ phiếu ESOP giá 0 đồng cho CBCNV và phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu với giá chiết khấu 20% so với giá thị trường (giá đóng cửa bình quân 20 ngày giao dịch gần nhất). Cổ phiếu DXG từ mức đỉnh 28.900 đồng/cp hôm 3/6 đã giảm xuống thấp nhất 22.600 đồng/cp vào phiên 10/6, tương đương mức giảm 21,7%.
Nhưng tại phiên 11/6, Đất Xanh ra thông cáo giải thích rõ hơn về phương án tăng vốn và điều chỉnh lại phương án phát hành theo hướng nâng giá chào bán cổ phiếu ESOP từ 0 đồng lên 10.000 đồng và giá phát hành riêng lẻ chỉ còn chiết khấu 10-15%. Tập đoàn này còn bổ sung thêm tờ trình tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (thực chất là hình thức chia tách cổ phiếu), tỷ lệ 15%. và giá chào bán cho cổ đông chiến lược chỉ chiết khấu. DXG đã tăng kịch biên độ lên 25.250 đồng.
Tương tự VN-Index, DXG đã có một tuần không yên ả. Một số nhà đầu tư có thể đạt được cơ hội kiếm lời nhanh chóng từ biến động giá cổ phiếu lần này, nhưng một số khác cũng đang phải ngậm ngùi khi quyết định bảo toàn vốn trước cú rơi sâu.