Thanh khoản bùng nổ, chứng khoán khởi sắc phiên khai xuân |
Ngày đầu HoSE nâng lô chẵn: Bùng nổ thanh khoản nhưng cổ phiếu “trắng” giao dịch cũng tăng vọt
Phiên giao dịch đầu xuân năm 2021 ghi nhận diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam với xu hướng tăng áp đảo trên hai sàn niêm yết đều tăng điểm, riêng sàn UPCoM giảm nhẹ 0,35%.
Trên sàn HoSE, chỉ số VN-Index tăng 16,6 điểm (+1,48%) lên 1.120,47 điểm. Chỉ số của sàn HNX tăng tới 1,56% lên 206,28 điểm. Số lượng các mã chứng khoán tăng giá trên hai sàn là 243 mã trên HoSE và 96 mã trên HNX, vượt xa lượng cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ (lần lượt là 67 mã và 51 mã).
Kể từ sau ngày 25/12/2020, đây là phiên tăng điểm mạnh nhất của VN-Index. Ngoài cú bứt phá vượt mốc 1.120điểm, sàn HoSE còn lập kỷ lục về thanh khoản trong phiên hôm nay. Đã có hơn 764 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với gần 16.250 tỷ đồng đổ vào thị trường. Trong đó, giá trị khớp lệnh xấp xỉ 14.750 tỷ đồng, cao hơn 54% so với phiên cuối năm 2020.
Nhiều phiên giao dịch ngày cuối năm trước, thị trường liên tục xuất hiện tình trạng “nghẽn” thanh khoản khi giá trị giao dịch khớp lệnh tiến sát mốc 13.000 tỷ đồng. Từ hôm nay, sàn HoSE chính thức áp dụng quy định mới nâng lô chẵn từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu như một biện pháp để hạn chế số lượng lệnh đặt tăng đột biến. Một phần nguyên nhân là do nhà đầu tư giao dịch bằng các phần mềm giao dịch bằng thuật toán khiến các lệnh bị chia nhỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh giải tỏa được nút thắt cổ chai, một số ảnh hưởng tiêu cực từ biện pháp này nhìn thấy ngay trong phiên hôm nay là việc gia tăng các mã cổ phiếu trắng thanh khoản. Trong khi chỉ có 3 mã chứng khoán trên HoSE không ghi nhận giao dịch hôm 31/12/2020, con số này hôm nay vọt lên 21 mã. Nhiều mã cổ phiếu giao dịch quanh mức nghìn cổ phiếu mỗi phiên trước đây nhưng nay cũng không có giao dịch nào được thực hiện.
Đây không phải là lần đầu tiên sàn HoSE chọn mức lô chẵn 100 cổ phiếu. Từ hơn 10 năm trước, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đã quyết định giảm lô chẵn xuống mức 10 cổ phiếu, nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia, thúc đẩy thanh khoản thị trường. Biện pháp này có thể giải quyết trong ngắn hạn khi thanh khoản thị trường tăng nhanh và mạnh thời gian qua.
Việc đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ cũng là một trong sáu nhiệm vụ của ngành chứng khoán được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu ra trong buổi đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội sáng nay.
Tính trên cả ba sàn, tổng giá trị giao dịch đã ở mức 18.440 tỷ đồng.
Cổ phiếu Vinhome bứt phá, trở thành DN thứ ba cán mốc vốn hóa 300.000 tỷ đồng
Bên cạnh sự khởi sắc của thị trường chung, sàn chứng khoán hôm nay cũng ghi nhận sự trở lại của Vinhomes trong nhóm doanh nghiệp vốn hóa trên 300.000 tỷ đồng gồm Vietcombank (367.179 tỷ đồng), Vingroup (365.303 tỷ đồng) và Vinhomes (302.635 tỷ đồng). Giá cổ phiếu này đã tăng 2,8% lên 92.000 đồng, mức cao nhất trong 13 tháng qua.
Cổ phiếu VHM cũng là nhân tố chính kéo VN-Index tăng 16,6 điểm hôm nay bên cạnh nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng như TCB, VPB, VCB, CTG, MBB… Trừ cổ phiếu MSB đứng giá tham chiếu, các cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá hôm nay. Cổ phiếu STB và MBB thậm chí còn đứng đầu về khối lượng giao dịch với lần lượt 46,8 triệu cổ phiếu và 42,4 triệu cổ phiếu sang tay. Phần lớn giao dịch cổ phiếu STB là các lệnh khớp lệnh giữa các nhà đầu tư nội, còn với cổ phiếu MBB, khối ngoại đã bán ròng gần 3,5 triệu cổ phiếu thu về 82 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng có sự đồng thuận cao khi đa số cổ phiếu đều tăng điểm. Trong đó, 5 cổ phiếu của công ty chứng khoán tăng kịch biên độ gồm BSC, VietinBank SC, BVSC, VDSC. VDSC hôm nay đã công bố kế hoạch tạm ứng cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 3%. Với thanh khoản thị trường tăng cao, năm 2020 được dự báo sẽ là năm “ăn nên làm ra” của các công ty này, đặc biệt là khối môi giới.
Các nhà đầu tư nội vẫn là bên mua chính của thị trường. Khối ngoại đã quay lại bán ròng 365 tỷ đồng, sau phiên mua ròng hôm 31/12. Trong top 5 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất gồm VNM, MBB, CTG, HPG và GVR, chỉ duy nhất GVR giảm giá (-1,67%).