Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 3,1% trong phiên giao dịch chiều nay 16/6. Ảnh: AFP |
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn sóng tăng điểm của khu vực với mức tăng 4,1% trong phiên chiều nay, nhờ cổ phiếu "nặng ký" của hãng sản xuất robot hàng đầu Nhật Bản Fanuc vọt lên 5,73%. Trong khi đó, chỉ số Topix cũng ghi nhận sóng tăng 3,52%. Sắc xanh cũng phủ kín chứng khoán Hàn Quốc với chỉ số Kospi tăng 3,1%.
Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng lên điểm gần 3%, còn chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng khởi sắc với chỉ số Shanghai Composite nhích 0,9% và chỉ số thành phần Shenzhen Component tăng nhỉnh hơn với 0,983%.
Chứng khoán Australia chiều nay cũng đón sóng tăng mạnh mẽ khi chỉ số S&P/ASX 200 đạt mức tăng 3,88%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng cao 2,94%.
Giới đầu tư vẫn tỏ ra dè chừng trước quyết sách của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Trong biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây được ban hành hôm nay, Ngân hàng Dự trữ Australia đánh giá các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ ở mức chưa từng có trong lịch sử đang giúp ích cho nền kinh tế nước này trong giai đoạn khó khăn thời Covid-19. “Có thể các biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ vẫn cần có thời gian để phát huy tác dụng”, biên bản nêu.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hôm nay công bố vẫn duy trì các công cụ chính sách quan trọng. Trong tuyên bố về chính sách tiền tệ mới đây, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho rằng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vẫn trong tình trạng khó khăn do tác động của dịch Covid-19 trong nước và thế giới, nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh được dự báo sẽ hồi phục dần.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ xem xét tác động của Covid-19 và không ngần ngại áp dụng thêm các biện pháp nới lỏng nếu cần thiết. Cơ quan này cho biết lãi suất cho vay ngắn và dài hạn có thể vẫn duy trì ở mức hiện tại hoặc thấp hơn.
Tại Mỹ, Cục dự trữ liên bang (Fed) hôm 15/6 (giờ Mỹ) công bố thêm các biện pháp hỗ trợ thị trường. Trong động thái mở rộng chương trình mua vào trái phiếu doanh nghiệp, Fed cho biết sẽ mua vào trái phiếu doanh nghiệp của các cá nhân. Nếu theo thông báo trước đây, Fed mua vào trái phiếu trên thị trường sơ cấp, còn nay động thái trên cho thấy chương trình mua vào trái phiếu đã mở rộng sang thị trường thứ cấp.
“Từ đó, có thể thấy Fed đã nhận ra bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Nó chỉ ra rằng Fed đã không thể chờ đợi thêm nữa và hành động tức khắc”, chuyên gia thị trường cao cấp Tai Hui của Quỹ quản lý đầu tư JPMorgan bình luận.
Chứng khoán Mỹ đêm qua đón sóng tăng điểm với chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones chốt phiên tăng 0,62% lên 25.763,16 điểm, còn chỉ số S&P 500 đóng cửa với 3.066,59 điểm, tăng 0,83%. Chỉ số Nasdaq chứng kiến mức tăng cao nhất 1,43% lên 9.726,02 điểm.
Còn hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ cũng bật tăng mạnh mẽ theo giờ giao dịch châu Á chiều nay 16/6. Hợp đồng tương lai Dow Jones tăng bứt tốc 465 điểm, khiến mức tăng này dự báo sẽ nhích lên 500 khi các giao dịch trở lại bình thường. Trong khi đó, hợp đồng tương lai S&P 500 and Nasdaq-100 cũng có khởi đầu tích cực.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh mẽ sau khi Bloomberg đưa tin chính quyền Washington đang xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD. Nguồn tin của Bloomberg cho hay, theo một bản thảo sơ bộ kế hoạch này, các ưu tiên tài chính cho các hạ tầng truyền thống như cầu đường sẽ được đặt sang một bên và nguồn lực sẽ dồn cho hạ tầng 5G và băng thông rộng khu vực nông thôn.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác rơi nhẹ từ mức 97 về 96,565. Đồng yên Nhật Bản trượt giá nhẹ và giao dịch 107,42 JPY/USD còn đô la Australia mạnh lên và trao tay 1 AUD/0,6964 USD.
Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay đi xuống. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn trượt nhẹ 0,5% xuống 39,52 USD/thùng trong khi giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,57% còn 36,91 USD/thùng.