P/E và P/B của VN-Index thấp hơn mức trung bình 10 năm
Trung tuần tháng 11, Chỉ số VN-Index đã có thời điểm giảm xuống dưới mốc 900. Đây là ngưỡng hỗ trợ tâm lý được đánh giá là khá vững bởi nếu không kể giai đoạn rơi sâu vì Covid-19, VN-Index chỉ thủng ngưỡng này vài lần trong 5 năm trở lại đây.
Cập nhật đến ngày 18/11, vốn hoá thị trường của toàn bộ cổ phiếu trên sàn chỉ còn xấp xỉ 3,87 triệu tỷ đồng, tương đương một nửa quy mô vốn hoá 7,7 triệu tỷ đồng (123,77% GDP) tại thời điểm cách đây một năm và cũng chỉ tăng 23% so với đáy Covid-19, dù đã có thêm một số tân binh gia nhập thị trường trong 2 năm qua.
Theo thống kê của Báo Đầu tư, vốn hoá thị trường của 440 doanh nghiệp đã giảm so với thời điểm ngày 31/3/2020 - khi VN-Index giảm sâu về mức đáy 650 điểm. Tương đương, cứ 4 doanh nghiệp trên sàn lại có 1,08 doanh nghiệp giảm giá trị vốn hoá thị trường.
Trong số này có Petrolimex giảm 11.572 tỷ đồng vốn hoá (giảm 27%); HAGL Agrico giảm 8.835 tỷ đồng (giảm 65%)…
Sau những đợt điều chỉnh mạnh trong năm 2022, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện rơi vào mức khá rẻ, khi cả 2 chỉ số định giá là P/E và P/B (chỉ số giá trên giá trị sổ sách) đều thấp hơn mức trung bình 10 năm. P/E của VN-Index có lúc về dưới 10 lần, thấp nhất kể từ năm 2012, hay P/B cũng từng tụt xuống mức 0,7-0,8 lần sau các phiên bán tháo và hoảng loạn của thị trường.
Bên mua đã hành động
Hoạt động bán giải chấp cổ phiếu của các cổ đông lớn và các chủ doanh nghiệp đã kéo giá cổ phiếu giảm sâu và tiếp tục tạo ra áp lực giải chấp trở thành vòng lặp “dìm” thị trường đi xuống. Một số công ty chứng khoán gần đây còn mở rộng thêm danh mục cổ phiếu không được ký quỹ, đưa tỷ lệ margin giảm nhanh về 0%.
Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán Việt Nam về vùng định giá rất hấp dẫn sau đợt điều chỉnh mạnh đã bắt đầu thu hút dòng tiền. Khởi đầu là sự trở lại của dòng vốn ngoại từ đầu tháng 10 trở lại đây. Đáng chú ý nhất là dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào ròng trong các quỹ ETF tháng 10/2022, lên đến 3.134 tỷ đồng, cao thứ hai kể từ đầu năm 2022. Lũy kế 10 tháng đầu năm, các quỹ ETF đã thu hút thêm 11.412 tỷ đồng.
Ngoài các hoạt động đầu tư thụ động vào quỹ chỉ số, một số cổ phiếu đã trở thành đích ngắm gom mua. Một loạt lệnh mua của các quỹ đầu tư ngoại đã được công bố trong những tuần gần đây. Trong đó, các quỹ ngoại thuộc Dragon Capital mua thêm 150.000 cổ phiếu của Hoá chất Đức Giang, hơn 5 triệu cổ phiếu PVDrilling…, tiếp tục giữ vai trò cổ đông lớn tại các doanh nghiệp này. Hay tại giao dịch cổ phiếu Nhà Khang Điền (KDH), VinaCapital mua thỏa thuận 10 triệu cổ phiếu. Mới đây, Dragon Capital đã mua vào 20,5 triệu cổ phiếu KDH trong vỏn vẹn vài ngày giữa tháng 11/2022, sau khi rút ra chưa đến 1 triệu cổ phiếu trong tháng trước. Các lệnh mua lớn cũng giúp Dragon Capital chính thức trở thành cổ đông lớn của FPT Retail, Đạm Cà Mau cùng nhiều doanh nghiệp khác trên sàn.
Trong tuần trước, khối ngoại đã có tuần mua ròng mạnh nhất kể từ tháng 5/2020. Từ đầu tháng 10/2022, số phiên mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài áp đảo số phiên bán ròng.
Không riêng vốn ngoại dẫn dắt, mà khối nội cũng tham gia sôi động. Lệnh mua hơn 50 triệu cổ phiếu Eximbank (EIB) dư bán sàn và 44,6 triệu cổ phiếu qua thỏa thuận đã được thực hiện hôm 17/11, tương đương tổng giá trị giao dịch cả phiên xấp xỉ 1.750 tỷ đồng.
Các lệnh mua từ người nội bộ là các lãnh đạo doanh nghiệp và người thân cũng liên tục xuất hiện với khối lượng lớn trong tháng 11 này. Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc Đặng Thành Tâm đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu KBC. Cổ phiếu DHC của Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (Dohaco) giảm tới 50% trong nửa năm qua một mặt kích hoạt lệnh bán giải chấp từ nhiều tài khoản, nhưng cũng đã xuất hiện thông báo đăng ký giao dịch của thành viên HĐQT Dohaco và người liên quan với khối lượng mua từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đơn vị cổ phiếu.
Một số doanh nghiệp cũng đã “đánh tiếng” mua lại cổ phiếu quỹ dù quy định hiện tại buộc công ty phải thực hiện giảm vốn điều lệ và tiêu hủy lượng cổ phiếu đã mua lại tương ứng.
Nam Long mới đây đã thông qua chủ trương dự chi tối đa 1.000 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ. IDICO, VPBank cũng chuẩn bị cho kế hoạch mua lại. Dù đều chưa công bố chi tiết lượng đăng ký mua vào, song các tổ chức này sẽ họp cổ đông lấy ý kiến trong 1-2 tháng tới đây. Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng sẽ họp cổ đông lấy ý kiến về việc chia cổ tức 20% bằng tiền hay mua vào cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ. Một số doanh nghiệp mới đây đã công bố kế hoạch tạm ứng cổ tức năm 2022, hay đẩy sớm thời gian thanh toán cổ tức để mang về lượng “tiền tươi” cho cổ đông.
Còn khó khăn phía trước
Dù xuất hiện các lệnh mua lớn khi thị giá cổ phiếu rơi sâu, song khả năng giảm thêm của thị trường vẫn có khi phía trước vẫn còn các rủi ro trên thị trường tài chính. Khối lượng và giá trị giao dịch trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần đây đều ở mức thấp. Nhiều tổ chức vẫn đang phải xoay xở dòng tiền để mua lại trái phiếu, chứng chỉ quỹ trái phiếu trước áp lực bán ra từ các nhà đầu tư.
Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI mới đây cũng nhấn mạnh về rủi ro với một số chủ đầu tư bất động sản bị hạn chế về thanh khoản do rào cản trong việc huy động vốn/phát hành trái phiếu. Rủi ro này có thể tác động tiêu cực đến nhóm ngân hàng, bất động sản - cổ phiếu có quy mô vốn hoá lớn, ảnh hưởng sâu đến chỉ số chung.
Đánh giá về mức định giá của thị trường hiện tại, chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán DSC lưu ý, định giá P/E VN-Index giai đoạn đáy của thị trường chứng khoán năm 2011 có thời điểm rơi về 8.0 lần. Những khó khăn từ nhu cầu suy yếu do xu hướng suy thoái chung của thế giới và thị trường vốn khó tiếp cận có thể ít nhiều tác động tiêu cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp, tức là kéo P/E tăng.