Trong cuộc đua giành thị phần môi giới những năm gần đây, thị phần có xu hướng tập trung vào các CTCK Top đầu ngày một nhiều hơn. Năm 2013, 10 CTCK lớn nhất trên HOSE chiếm gần 63% thị phần toàn thị trường, trên HNX là 51,65%. Đa phần các CTCK trong Top 10 thị phần môi giới đều có chi nhánh hoặc phòng giao dịch (PGD) tại TP. HCM và Hà Nội, số ít công ty có thêm PGD tại một số tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang…
Chẳng hạn, trong Top 3 môi giới trên HOSE, HSC có hệ thống chi nhánh, PGD nhiều nhất, gồm 6 PGD, trong đó 4 ở TP. HCM và 2 ở Hà Nội; vị trí thứ hai là SSI với 9 chi nhánh và PGD, tập trung ở Hà Nội, TP. HCM, có thêm ở Vũng Tàu, Nha Trang và Hải Phòng. Vị trí thứ ba là VCSC, với 1 chi nhánh tại Hà Nội, 2 sàn giao dịch tại TP. HCM. Dẫn đầu về thị phần môi giới tại sàn HNX là VNDirect, ngoài chi nhánh và PGD ở TP. HCM và Hà Nội thì còn có ở Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ, Quảng Ninh.
Qua đó cho thấy, nhu cầu đầu tư của các NĐT ở các tỉnh lân cận hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Hải Phòng… cũng rất ít, chứ chưa nói tới các vùng nông thôn.
Theo bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC), CTCK có chiều hướng thu hẹp các chi nhánh, PGD là bởi nhu cầu đầu tư của NĐT tại các tỉnh, thành nhỏ giảm mạnh, nên doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Ngoài ra, hiện nay, khách hàng không cần lên sàn mà vẫn giao dịch được thông qua online và đối với các CTCK có liên kết với ngân hàng thì họ sử dụng ngay ngân hàng làm đại lý nhận lệnh. Khi tư vấn niêm yết cho các DN tại tỉnh thì CTCK cử nhân viên đến tận nơi để mở tài khoản độc lập, hướng dẫn giao dịch online một lần là xong.
Một số CTCK tại TP. HCM cho biết, khách hàng chính của công ty chủ yếu ở TP. HCM và Hà Nội. Tại Long An, Bình Dương, Đồng Nai cũng có, nhưng hầu hết là NĐT tổ chức hoặc NĐT cá nhân có tài chính vững, có am hiểu về thị trường. Những NĐT tham gia thị trường giai đoạn TTCK tăng điểm mạnh năm 2006 - 2007 tại các tỉnh hầu như không còn trụ lại, bởi họ đầu tư theo phong trào, hiểu biết hạn chế về TTCK, nên sau khi thị trường bước vào giai đoạn khó khăn, sụt giảm thì “nghỉ chơi”.
Theo CTCK MBKE, thông qua các buổi tiếp xúc NĐT, các buổi hội thảo tại các tỉnh, đa phần người dân còn e ngại với kênh đầu tư chứng khoán, họ có tâm lý đầu tư vàng để cất giữ nhiều hơn. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn quan tâm đến chứng khoán, nhưng chưa sẵn sàng nhập cuộc, mà chờ đợi cơ hội rõ ràng hơn.
MBKE chia sẻ kết quả các buổi hội thảo, cập nhật kiến thức chứng khoán tại một số tỉnh như sau: tại An Giang, TTCK những năm gần đây lao dốc khiến nhiều người e ngại; tại Vũng Tàu, NĐT đợi tín hiệu tốt của thị trường và các chính sách kinh tế vĩ mô để quyết định tham gia đầu tư; tại Đồng Nai, đợt “sóng” giữa năm 2012 và một số đợt “sóng” trong năm 2013 đã thu hút nhiều NĐT quay trở lại sau thời gian đứng ngoài thị trường và xu hướng đầu tư giá trị đang dần hình thành thay cho phong trào đầu tư lướt sóng của những năm trước; tại Đà Nẵng, NĐT quan tâm tới TTCK không nhiều; tại Quãng Ngãi và Bình Định, trước đây ít khách hàng tham gia, nhưng nay đã xuất hiện các NĐT mới.
Ông Nguyễn Chí Trung, Phó tổng giám đốc CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, các NĐT ở tỉnh thiệt thòi nhất là ít có điều kiện tiếp nhận sự tư vấn trực tiếp của môi giới hàng ngày, chỉ có một số ít NĐT giao dịch thường xuyên thì được các nhân viên môi giới chăm sóc bằng cách tư vấn qua điện thoại. Thứ hai, trình độ công nghệ thông tin tại các tỉnh không cao, nên lượng thông tin không phong phú. Từ đó, mức độ phổ biến chứng khoán cũng ít dần, người dân quay về với công việc kinh doanh hàng ngày của họ. Để NĐT các tỉnh tích cực tham gia TTCK thì thị trường phải thực sự sôi động, giá trị giao dịch ở mức 2.500 tỷ đồng/ngày.
Phan Hằng (ĐTCK)