Chứng khoán Trung Quốc đại lục duy trì 4 phiên lên điểm liên tiếp kể từ đầu tuần. Ảnh: AFP |
Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite sáng nay nhích thêm 0,17% còn chỉ số Shenzhen Component tăng cao hơn 0,877%. Trên sàn Hong Kong, chỉ số Hang Seng lên điểm 0,3%.
Sau phiên “đỏ sàn” hôm qua, chứng khoán Nhật Bản sáng nay khởi sắc với chỉ số Nikkei 225 nhích nhẹ 0,27% ngay đầu phiên nhờ cổ phiếu “nặng ký” của Tập đoàn công nghệ Softbank tăng hơn 4%. Tuy nhiên, Topix diễn biến trái chiều, giảm 0,1%.
Sắc xanh trở lại với chứng khoán Hàn Quốc với chỉ số Kospi lên điểm 0,51%, còn S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,97%. Tính chung lại, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng nhẹ 0,27%.
Chứng khoán châu Á tăng điểm sau khi Trung Quốc công bố tỷ lệ lạm phát tháng 6. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc sáng nay cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 của nước này trượt 3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thế giới đến nay ghi nhận hơn 11,88 triệu người nhiễm Covid-19 và ít nhất 545.398 người thiệt mạng vì virus này, theo Đại học Johns Hopkins. Đại dịch Covid-19 tiếp tục khiến nhà đầu tư chùn tay xuống tiền sau khi tổng số ca mắc Covid-19 tại Mỹ vượt quá 3 triệu người, theo thống kê của Đại học Johns Hopskin. Do cả số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại Mỹ đều tăng nên dữ liệu của Apple Maps cho thấy các hoạt động di chuyển tại Mỹ đang chậm lại. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nền kinh tế Mỹ lại tiếp tục “chịu trận” vì Covid-19.
Bất chấp diễn biến xấu của đại dịch, chứng khoán Phố Wall đêm qua vẫn tăng điểm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đóng cửa tăng 177,10 điểm, tương đương 0,7%, lên 26.067,28 điểm, trong khi S&P 500 nhích thêm 0,8% và kết thúc phiên với 3.169,94 điểm. Đáng chú ý, Nasdaq Composite chạm ngưỡng cao kỷ lục 10.492,50 điểm sau khi bật tăng 1,2%.
Trong khi đó, James Bullard, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang tại thành phố St. Louis nhận định, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể giảm xuống mức 7% trong năm 2020. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở ngưỡng cao kỷ lục 11,1% sau Thế chiến Thứ Hai.
Trái lại, chứng khoán châu Âu hôm 8/7 cũng “đỏ sàn” với chỉ số Stoxx 600 đóng cửa mất 0,7% khi nhóm cổ phiếu ngành công nghiệp ô tô trượt sâu nhất phiên với mức giảm 2%, còn cổ phiếu hầu hết các nhóm ngành khác và các sàn chứng khoán lớn đều rơi vào vùng tiêu cực.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ mức 96,8 xuống 96,451 thiết lập hôm qua. Đồng yên Nhật Bản tăng giá và giao dịch 107,30 JPY/USD so với mức 107,7 JPY/USD tại phiên hôm qua, còn đô la Australia mạnh lên và quy đổi 1 AUD/0,6988 USD.
Giá dầu trên thị trường châu Á đi xuống, với dầu Brent giao kỳ hạn mất giá 0,12% xuống 43,24 USD/thùng, trong khi giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt 0,24% xuống 40,80 USD/thùng.