Lĩnh vực nghiên cứu của ông là văn hóa và chuyên sâu về văn hóa dân gian, có vẻ như những khái niệm fonklore, totem hay mái đình, cây đa, giếng nước, dân ca, quan họ… không có mối liên hệ nào với thực tế ảo?
Thực tế ảo là thuật ngữ miêu tả một môi trường được giả lập bởi con người, mà tất cả những nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội đều phải lấy con người làm trung tâm. Trong khi đó, phải thừa nhận rằng, thực tế ảo có môi sinh là Internet đã trở nên hết sức phổ biến, bất kỳ cá nhân nào, không phân biệt giới tính, tuổi tác, ngay cả những người mới chỉ vượt qua ranh giới “đọc thông, viết thạo” cũng đều nhiều giờ trong ngày đắm mình trong Internet. Có người đã nói rằng, thực tế ảo phổ biến tới mức đã trở thành bầu không khí mà cả tôi, anh và tất cả chúng ta hằng ngày hít thở.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ . |
Dù đắm mình trong môi trường Internet như vậy, nhưng không nhiều người nhận ra được sự va chạm giữa thực và ảo. Trước đây, “thực” hoàn toàn lấn át, nhưng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi người ta đã có thể số hóa hầu hết tri thức của nhân loại trở thành khối thông tin khổng lồ, với việc biến những chồng sách trở thành các file dữ liệu, điện toán đám mây thay cho thư viện, kho lưu trữ…, thì tập quán nghiên cứu của con người ta thực sự thay đổi.
Nhưng thưa ông, thuật ngữ “ảo” có vẻ quá mơ hồ?
Tôi cho rằng, “ảo” không nên hiểu theo nghĩa ảo giác, ảo ảnh, mà nên hiểu rằng, đó là loại vật chất dù không thể sờ nắn được, không đổ vào túi, cất vào bình được, nhưng đã được lượng hóa rất cụ thể. Hơn thế, đường đi của các yếu tố “vật chất ảo” đó sẽ là từ “kho” của nó tới trí tuệ của người tiếp nhận và được thực hóa trong cuộc sống để tạo nên những giá trị thực về kinh tế, xã hội.
Với đường đi như thế, với việc có thể dễ dàng cụ thể hóa như vậy, theo tôi, không có gì là mơ hồ. Đường đi của thực tế ảo ngắn hay dài, nhanh hay chậm hoàn toàn tùy thuộc vào trí tuệ của mỗi người, có nghĩa là lộ trình thực hóa thực tế ảo của mỗi người mỗi khác.
Ông có cho rằng, lộ trình “thực hóa ảo” sẽ tạo nên sự khu biệt sâu sắc mỗi cá thể?
Đương nhiên, tri thức sẽ làm thay đổi hành vi, nhưng lộ trình “thực hóa ảo” sẽ làm người ta thay đổi nhanh hơn, triệt để hơn cách tiếp cận truyền thống. Quá trình biến đổi vật chất ảo thành hành vi, thành các giá trị hiện thực để tạo nên những biến đổi đóng góp được lợi ích cho xã hội, hoặc ngược lại, sẽ tạo nên sự va chạm giữa thực và ảo.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, nếu người tiếp nhận mà ảo quá, sẽ dần thoát ly đời sống thực, trở nên lệch lạc. Ngược lại, nếu phủ nhận những giá trị của thực tế ảo, chắc chắn sẽ không phát triển kịp với xu thế và cá thể đó sẽ bị đào thải.
Quá trình xâm thực của thực tế ảo sẽ tạo nên nhưng hệ quả như ông nói, vậy có cần phải cảnh báo gì không?
Theo tôi, rất cần phải cảnh báo, nhưng như trên đã nói, lộ trình thực hóa thực tế ảo của mỗi cá thể hoàn toàn khác nhau, bởi vậy, hình thức, mức độ cảnh báo cũng sẽ rất khác nhau.
Đối với người lớn, những thông tin về tiền ảo, về dược phẩm, mô hình đa cấp sẽ khiến họ đặc biệt quan tâm. Khi tiếp nhận những thông tin này, nhiều người cho rằng, có thể chớp mắt trở thành tỷ phú từ những mô hình kinh doanh với lãi suất khủng. Tôi có thể đưa ra một hiện tượng rất phổ biến hiện nay là, bất chấp sự mù mờ về y khoa, dược khoa, nhưng doanh thu về các loại dược phẩm chức năng gia tăng tỷ lệ thuận với số lượt truy cập các website loại này.
Với giới thanh niên, những quan hệ ảo được thực hiện qua kết nối của facebook, Instagram, Twitter trở thành mối quan tâm hàng đầu. Còn với lớp trẻ hơn, những cuộc chiến ảo với các giao dịch mua bán ngựa chiến, vũ khí và các công cụ hỗ trợ cho game sẽ là mối quan tâm hàng đầu.
Theo tôi, những sở thích đó cũng bình thường như tôi thích sách trinh thám, kiếm hiệp, ông thích những khảo cứu về văn hóa, các bạn trẻ mê đọc chuyện tranh, còn những người khác thì thích ẩm thực, du lịch…?
Hoàn toàn không phải vậy, vấn đề là, những sở thích đó thể hiện ở chỗ họ lầm lẫn giữa thực và ảo là cấp độ thứ nhất, cấp độ tiếp theo sẽ là việc những cá nhân đó đặt niềm tin vào thế giới ảo và cuối cùng, họ sẽ không còn tin tưởng vào người thân - hiện thân của thế giới thật để hoàn toàn cậy nhờ vào thế giới ảo.
Tôi cho rằng, gia đình sẽ là nơi đầu tiên hứng chịu những phát tác của sự chuyển hướng đáng lo ngại đó. Quá trình đó sẽ không diễn ra ngay lập tức, mà có thể âm thầm khởi phát từ những tiện ích khó ai có thể chối bỏ.
Giờ đây, chỉ bằng mấy cái “chấm chấm” trên smartphone là ai đó đã có thể có đầy đủ thức ăn như mong muốn, cùng vài cốc trà sữa theo đúng sở thích. Tôi chưa bàn tới khẩu vị, hay sự cao cấp và đa dạng của đồ ăn khi đặt mua, mà điều chính yếu là họ không phải chờ đợi. Những tiện ích đó đã vô tình phủ nhận những giá trị từ sự cần mẫn và những giọt mồ hôi của người mẹ, người chị với những rau, thịt xoong, nồi, dao thớt bên bếp lửa gia đình hàng ngày.
Với mỗi người chúng ta, những bữa cơm chiều không chỉ là việc nạp năng lượng đơn thuần, mà đó là thể hiện của sự yêu thương chăm sóc giữa người thân với người thân. Bữa cơm chiều còn là buổi sơ kết công việc hàng ngày và lên kế hoạch cho hôm sau của tập thể nhỏ đó thông qua câu chuyện của mỗi thành viên gia đình.
Ông làm tôi nhớ tới câu thơ “Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói” trong bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt. Hình như ông là người… không thích tiện ích?
Không ai lại đi phủ nhận tiện ích, nhưng vấn đề chính là những tiện ích đó triệt thoái sự gắn kết yếu tố tạo nên một gia đình. Bước thứ hai của nó, như tôi đã nói ở trên, đó là không cần sự nương tựa, cậy nhờ và không cần phải tin tưởng vào chốn dừng chân mỗi ngày. Mỗi cá nhân chỉ cần tương tác với mạng Internet là đủ. Điều đó sẽ khiến gia đình như “một bị khoai tây”, đứt dây buộc là mỗi củ lăn về một phía.
Việc tạo nên “bị khoai tây” như thế đã âm thầm diễn ra từ lâu, cho thấy chúng ta đang rất bị động trong ứng xử với thực tế ảo?
Tôi cho là như vậy. Từ khi Internet được triển khai tại Việt Nam, chúng ta chỉ được đào tạo, hướng dẫn cách sử dụng, mà chưa ai được hướng dẫn cách ứng xử trong thời đại Internet đã khiến nhiều khái niệm bị lẫn lộn
Tôi chưa bàn tới những lĩnh vực nghiêm trọng là chính trị, đạo đức và tôn giáo, chỉ riêng trong đời sống hàng ngày, có những người văn hóa cao, có uy tín, có học thức, thậm chí là có địa vị xã hội, nhưng nếu phác họa chân dung con người đó từ những dấu ấn họ thể hiện trên thế giới ảo thì sẽ là một cá thể không hề có mối liên hệ với con người trong thế giới thật. Rõ ràng là khó có thể đưa ra lời giải thích hiện tượng một cá nhân biến đổi hoàn toàn khi hiện thân trong thế giới ảo.
Cho tới nay, chúng ta chưa có giáo trình nào về kỹ năng con người trong kỷ nguyên Internet. Theo tôi, giáo trình đó phải xuất phát từ những nghiên cứu thực sự nghiêm túc và khoa học về kỹ năng con người trong kỷ nguyên Internet. Dù đã muộn, nhưng nếu chúng ta không bắt đầu ngay từ bây giờ, để ảo lấn át thực, thì xã hội sẽ ngày càng nhiều “bị khoai tây”.
Tôi cũng xin nói thêm, việc người máy Sophia được trao quyền công dân đã tạo nên chấn động toàn thế giới. Tuy nhiên, dù người máy có thể hiện những khả năng mà con người không thể thực hiện được (như hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, tính toán siêu nhanh, lập trình tối ưu một cách nhanh nhất cho các dịch chuyển…), nhưng tất cả các thiết bị đó, dẫu được mô phỏng giống con người tới mức nào đi chăng nữa, thì cũng không thể là thực thể thực sinh. Giới nghiên cứu chúng tôi vẫn có câu cửa miệng là “máy tính làm thơ”, đó có lẽ là sự khái quát về sự khác biệt của máy móc và con người
GS. Phan Ngọc đã từng viết về sự xô giạt văn hóa bèo bọt trên đỉnh của con sóng thời đại. Nếu không có một nội lực văn hóa, nếu không có hồn cốt của một nền văn hóa và nếu coi thực tế ảo là một con sóng, thì khi nó trào qua, nền văn hóa đó sẽ hoàn toàn không để lại dấu vết.