Chuyển đổi số - Kinh tế số
Chung tay giải cơn khát nguồn nhân lực số
Hữu Tuấn - 29/12/2022 10:42
Nhân lực công nghệ thông tin là lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số. Nhưng ở Việt Nam, nguồn nhân lực này hiện còn thiếu và yếu.

Trong báo cáo mới nhất, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ 1,2 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550.000 người. Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với các quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).

Hiện các nước châu Âu đã đặt mục tiêu số lượng nhân lực để chuyển đổi số đến năm 2030 là 5% dân số. Như vậy, nếu Việt Nam đặt mục tiêu nhân lực công nghệ thông tin chỉ chiếm 2 - 3% dân số, thì nhân lực số cũng đã tầm 2 - 3 triệu người. Trong khi đó, số sinh viên ra trường ngành công nghệ thông tin (gồm cao đẳng và đại học) ra trường hàng năm chỉ khoảng 60.000 - 70.000 người.

“Thực tế, nhân lực chuyển đổi số Việt Nam không chỉ phục vụ chuyển đổi số trong nước, mà còn xuất khẩu dịch vụ sang các nước khác. Đơn cử, một số doanh nghiệp Việt Nam đang làm rất tốt, doanh thu hàng tỷ USD, thực hiện chuyển đổi số cho Mỹ, Nhật Bản. Do đó, phát triển nhân lực số là một trong những cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu ngành dịch vụ này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo nhà sáng lập Quỹ đầu tư Do Ventures, ông Nguyễn Mạnh Dũng, nhu cầu nhân sự CNTT cho các công ty công nghệ đã tăng đột biến trong giai đoạn Covid-19 vừa qua. Nhiều nước trên thế giới sẵn sàng tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam, Ấn Độ, Philippines hoặc Trung Quốc để cắt giảm chi phí, tạo ra bước dịch chuyển cơ cấu việc làm. Doanh nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần nhân sự CNTT để vận hành và xử lý thông tin. Xu thế đó sẽ còn tiếp diễn một thời gian dài.

Tương tự, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC nhận định, nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT rất cao, nhưng các trường đại học hiện nay chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, thực tế mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu. Trong khi đó, đến năm 2030, thị trường cần đến 1,5 triệu nhân lực CNTT.

“Đến năm 2025, CMC sẽ trở thành doanh nghiệp toàn cầu với doanh thu 1 tỷ USD, quy mô hơn 10.000 nhân sự. Hiện tại, với đội ngũ 4.200 người, CMC có nhu cầu rất lớn về tuyển dụng nhân sự, nhưng gặp khó khăn bởi nguồn cung trên thị trường không đáp ứng đủ”, ông Chính cho biết.

Thực trạng nhân lực số vừa thiếu, vừa yếu đang là bài toán làm đau đầu các nhà quản trị. Ông Park JongHo, CEO TopDev nhận xét, làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang đến nhiều cơ hội cho thị trường lao động IT Việt Nam mở rộng và trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Việt Nam đã thu hút đủ sự chú ý để đưa các công ty CNTT trong khu vực bắt đầu vào Việt Nam tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm. Doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, bất động sản… nay đã chuyển đổi số và bước vào mô hình thương mại điện tử. Điều này càng tạo nên sức ép cho việc giải bài toán về thiếu hụt nhân lực CNTT của thị trường, khi nhu cầu tăng lên đáng kể nhưng khả năng đáp ứng còn nhiều hạn chế.

“Tuy được săn đón với mức lương hấp dẫn, nhưng nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực CNTT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển như mong đợi của ngành”, Báo cáo của TopDev chỉ rõ.

Giải pháp cho vấn đề thiếu nguồn nhân lực số, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại học số chính là một trong những giải pháp đột phá, bởi đào tạo theo cách truyền thống đã đạt đến mức giới hạn. Đây sẽ là một trong các giải pháp giúp nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số, không chỉ phục vụ chuyển đổi số tại Việt Nam, mà cả những thị trường khác.

Còn ông Nguyễn Trung Chính thì cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực số, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo đẩy mạnh đào tạo số, xây dựng đại học số.

“CMC đầu tư vào giáo dục, trước hết để có nguồn nhân sự chất lượng cao cho tương lai nhằm phục vụ nhu cầu của chính đơn vị mình, sau đó là góp phần đào tạo nhân lực cho xã hội”, ông Chính cho biết.

Ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập Đại học FUNiX dự báo, trong tương lai gần, việc học CNTT không chỉ dành cho những người làm chuyên nghề này, mà công nhân, nông dân, nhân viên văn phòng… cũng cần biết để nâng cao năng suất lao động.

“Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo là hướng đi cần thiết để lấp đầy số lượng nhân sự đang thiếu, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao”, ông Nam nêu quan điểm.

Ở góc độ khác, theo bà Nguyễn Ngọc Dung, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Việt Nam đang có lợi thế về số lượng dân số vàng, nhưng chưa “vàng về chất lượng”.

“Để giải quyết vấn đề thiếu và yếu của nguồn nhân lực số, Chính phủ cần giao các cơ quan liên quan xây dựng những chương trình, chiến lược đào tạo cụ thể. Cùng với đó, tổ chức các cuộc thi để các em sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ tham gia nhiều hơn vào ngành công nghệ thông tin. Nếu đào tạo không đủ, phải tính đến chuyện “nhập khẩu” từ nước ngoài”, bà Dung đề xuất.

Các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần tăng cường đầu tư cho đào tạo nhân lực số, đặt tiêu chí, tầm nhìn về việc phát triển cũng như hoàn thiện văn bản pháp quy trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng nghề và hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đào tạo, giảng viên hướng dẫn, nghiên cứu, thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với thực tế.

Về phần các trường cũng phải thay đổi chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học, nâng cao trình độ giảng viên để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tin liên quan
Tin khác