Kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền qua hệ thống chợ được tổ chức phiên đầu tiên tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai. |
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của các địa phương trên cả nước thông qua hệ thống chợ, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ (PMAX 2018) tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai từ ngày 11 đến 15/5/2018.
Chương trình PMAX 2018 là cơ hội để tăng cường liên kết 3 nhà, gồm: nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá, ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền, từ đó hướng tới phương thức kinh doanh nông sản hiện đại và bền vững, đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng thương mại, nâng cao thu nhập của người dân, nhất là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Được biết, Chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây có quy mô lớn nhất Đồng Nai đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2017, không chỉ đáp ứng tốt thị trường nội địa mà còn là cầu nối đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Với vị trí đặt tại trung tâm của nhiều tuyến giao thông huyết mạch nên hàng hóa vận chuyển từ Đà Lạt, Bình Thuận, miền Trung vào chợ đầu mối Dầu Giây để phân phối cho các chợ ở Đồng Nai, TP.HCM rất thuận lợi.
Ngoài mục tiêu tiêu thụ nông sản, thực phẩm sản xuất tại Đồng Nai, chợ đầu mối Dầu Giây còn được kỳ vọng sẽ là nơi bán sỉ, tiêu thụ phần lớn các loại nông sản sạch các tỉnh khu vực phía Nam.
Theo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần là các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ, số lượng chợ đầu mối trên cả nước còn khiêm tốn (cả nước có 83 chợ, chiếm 0,97%).
Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại trong thời gian gần đây nhưng vẫn giữ được vai trò quan trọng, duy trì sự cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại với lưu lượng hàng hóa qua chợ trung bình từ 35%-40%.
Mạng lưới chợ đầu mối nông sản ở Việt Nam hiện nay, mặc dù đã có một số mô hình bước đầu phát triển khá tốt nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với vai trò quan trọng và yêu cầu phát triển.
Chợ đầu mối nông sản là một kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng, không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển.
Hệ thống chợ là trung gian kết nối giữa người sản xuất, người bán lẻ và người tiêu dùng. Do vậy, kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ có vai trò to lớn đối với quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội, góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, kết nối từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ và đến tay người tiêu dùng một cách đầy đủ và kịp thời.
Góp phần điều tiết hàng hóa giữa các thị trường thành thị và nông thôn, giữa các thị trường phát triển với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Qua đó, kết nối bền vững, tiêu thụ ổn định và nâng cao giá trị cho hàng hóa và đặc sản vùng miền.
Việc phát triển hạ tầng thương mại nói chung, trong đó chú trọng tới các loại hình phân phối nông sản, đặc biệt là chợ đầu mối nông sản có quy mô lớn, tổ chức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại đang được thị trường, người sản xuất và người tiêu dùng mong đợi. Những điều kiện phục vụ kinh doanh của chợ đầu mối không chỉ bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật mà quan trọng hơn là những hoạt động hỗ trợ, tạo thuận lợi cho việc mua bán.