Tiêu dùng
Chương trình OCOP phát huy sức sáng tạo của cộng đồng
Quang Hưng - 17/11/2020 10:00
Sơ kết 3 năm Chương trình OCOP cho thấy sức sáng tạo của người dân trong việc hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam – Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia. 

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, sau gần 3 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến tháng 10/2020, đã có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm. Trong đó có 2.169 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 43 sản phẩm của 12 tỉnh, thành phố có hồ sơ đề nghị Hội đồng chuyên ngành đánh giá, phân hạng Sản phẩm Chương trình OCOP cấp quốc gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia năm 2020, góp phần tạo nên các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của các địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về cơ cấu sản phẩm được phân hạng, có 1.405 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 716 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 48 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Hiện nay, Hội đồng OCOP cấp quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao theo đề xuất của 12 tỉnh, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2020.

Về cơ cấu sản phẩm theo nhóm, có 1.786 sản phẩm OCOP thuộc nhóm thực phẩm, 163 sản phẩm OCOP thuộc nhóm đồ uống, 107 sản phẩm OCOP thuộc nhóm lưu niệm nội thất và trang trí, còn lại là các sản phẩm khác. Về chủ thể, đã có 1.271 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 471 hợp tác xã, 390 doanh nghiệp, 365 cơ sở sản xuất, còn lại là các tổ hợp tác.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Chương trình OCOP cho thấy vai trò, ý chí, sức sáng tạo của người dân. Các sản phẩm OCOP đã xây dựng được nguồn lực lao động lớn, các sản phẩm OCOP chú ý đến vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề chỉ dẫn địa lý.

Hội nghị đánh giá chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 khu vực phía Bắc ngày 13/11/2020 tại TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, các nhóm người yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là giải pháp để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình mà còn là cơ hội, điều kiện để họ có thời gian chăm lo và thực hiện trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng địa phương.

Nhiều sản phẩm đã phát huy được giá trị, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, đặc biệt là sự tham gia của các hợp tác xã, doanh nghiệp. Trong đó thể hiện rõ vai trò của sản phẩm OCOP gắn với sự phát triển các hợp tác xã, tỷ lệ các chủ thể là các hợp tác xã ở nhiều vùng chiếm tỷ lệ cao. 

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm OCOP còn hạn chế trong quá trình tham dự chưa thực sự chú ý đến mẫu mã và thương hiệu sản phẩm nên không được đánh giá cao về chất lượng.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm OCOP được các địa phương triển khai mạnh mẽ ngay từ năm 2019. Các địa phương đã tổ chức hội chợ sản phẩm tham gia chương trình OCOP, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia hội chợ trong nước, khu vực nhằm quảng bá, tuyên truyền hình ảnh sản phẩm OCOP của địa phương mình. 

Nhiều địa phương đã bắt đầu phát triển hệ thống trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP thường niên như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Bắc Kạn…

Sản phẩm OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất, mở rộng doanh thu giá trị và thị trường đối với các chủ thể. Đa số các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều có tốc độ tăng trưởng về doanh thu từ 10 – 40%, nhiều sản phẩm ở khu vực khó khăn đã mở rộng thị trường, hướng đến xuất khẩu.

Sản phẩm OCOP đã từng bước tham gia vào thị trường với vị thế của sản phẩm đặc sản của Việt Nam, dần trở thành một dấu hiệu nhận diện trên cả khía cạnh chính sách và khía cạnh sản phẩm đối với người tiêu dùng, gắn với thương hiệu OCOP Việt Nam.

Thái Nguyên là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc.

Kinh nghiệm trong thúc đẩy và phát triển sản phẩm OCOP,  ông Phạm Văn Sỹ -  Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho rằng, trong quá trình thực hiện chương trình OCOP, Thái Nguyên đã thực hiện việc tham quan, nghiên cứu cách làm của nhiều đơn vị, địa phương khác, đồng thời qua các kênh tuyên truyền, tập huấn triển khai để nâng cao nhận thức của các cấp, chính quyền địa phương, các chủ thể, thành phần kinh tế hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của chương trình OCOP. Trong đó, chú trọng phát triển các hợp tác xã, làng nghề, qua đó làm cơ sở để xây dựng và thực hiện sản phẩm OCOP.

Đến nay, quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP rất thuận lợi và đạt nhiều kết quả. Trong 2 năm, toàn tỉnh đã đạt 76 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và 7 sản phẩm đạt OCOP 5 sao tham dự sản phẩm OCOP trung ương. Chương trình đã có những tác động tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn. Nhiều vùng, địa phương đã phát huy các lợi thế theo nhóm sản phẩm để phát triển OCOP như các làng nghề truyền thống, đặc biệt là khai thác lợi thế của vùng nguyên liệu địa phương gắn với phát triển thương hiệu cộng đồng.

Tin liên quan
Tin khác