- Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế: Không gian cho cấu trúc kinh tế mới
- Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế: Gói hỗ trợ mạnh nhất là cải cách thể chế
- Nới room ngoại giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính
- VPBank muốn nới room ngoại, khả năng bán 15% vốn ngân hàng mẹ vào quý I/2022
Việc nới room ngoại sẽ tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại thu hút đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Ảnh: Đ.T |
Nới room ngoại vì cam kết?
Không phải ngẫu nhiên, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra vấn đề điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam lên bàn thảo luận vào thời điểm này.
“Chúng ta phải chuẩn bị cho việc thực hiện hiệu quả cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do có liên quan đến nội dung này, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (CIEM) lý giải.
Vốn là một trong những chuyên gia về hội nhập kinh tế quốc tế, ông Dương quan tâm đến cam kết xem xét tích cực đề xuất của các định chế tài chính EU về việc nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước (trừ 4 ngân hàng là VCB, BIDV, ViettinBank, Agribank) trong vòng 5 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, nghĩa là đến năm 2025.
Như vậy, theo ông Dương và nhóm nghiên cứu của CIEM, việc nâng room ngoại cần được tính toán ở khía cạnh tiếp cận bình đẳng với các cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài của các ngân hàng thương mại. Điều này có thể giúp tránh các tác động khác nhau đến cạnh tranh ngân hàng, ít nhất là giữa các ngân hàng tư nhân, vì một số có thể được hưởng lợi sớm hơn từ việc nới room theo cam kết EVFTA.
Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng, thực thi cam kết chỉ là một phần lý do để cân nhắc nới room ngoại. Lý do chính xuất phát từ những lợi ích tiềm năng từ việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Một là, nới room ngoại cho các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tăng khả năng tiếp cận vốn, theo đó tăng khả năng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, tới đây là Basel III, nhất là trong bối cảnh Hệ số An toàn vốn (CAR) của Việt Nam còn thấp trong khu vực.
Hai là, nới room ngoại cũng giúp thu hút đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực này.
Hay vì nhu cầu nội tại?
Cũng có câu hỏi, nới room ngoại có phải là nhu cầu của các ngân hàng thương mại hay không, khi room của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng thương mại thấp.
Theo quy định hiện hành, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Trong đó, cổ phần tối đa của pháp nhân nước ngoài không quá 15%, của cổ đông chiến lược nước ngoài không quá 20%. Tỷ lệ này với cá nhân nước ngoài là 5%.
Nhưng thực tế, mới có 19/48 tổ chức tín dụng có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu từ 1% trở lên (tính đến tháng 6/2021). Trong số này, có 11 ngân hàng thương mại có room ngoại trên 15%, trong đó có 5 ngân hàng có tỷ lệ trên 25%.
Nếu tách bạch giữa các nhóm ngân hàng thương mại, thì tỷ lệ sở hữu bình quân của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn chỉ quanh mức 16-17%, nghĩa là còn dư địa tới 13% trong khu vực này. Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, một số đã sử dụng gần hết room cho nhà đầu tư ngoại, với tỷ lệ 27- 28%.
Vấn đề là, các ngân hàng cận room không dễ mời chào thêm, do chiến lược của nhà đầu tư nước ngoài không muốn bỏ trứng vào một giỏ.
Nhưng theo các chuyên gia, nguyên nhân chính vẫn là chính sách thiếu nhất quán, khó đoán định, thủ tục phức tạp, quá lâu, gây mất cơ hội...
“Năm 2018, với Quyết định 986/2018/QĐ-TTg, tỷ lệ vốn nhà nước tại 3 ngân hàng thương mại nhà nước (không kể Agribank) là 51%, nhưng gần đây, lại có văn bản đề cập tỷ lệ này là 65%. Sự thiếu nhất quán gây khó cho nhà đầu tư nước ngoài”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nêu ví dụ.
Sự thận trọng với một môi trường kinh doanh còn thiếu minh bạch, thiếu chuẩn mực và bài bản cũng là một phần lý do của tình trạng thị phần tổng tài sản của khối ngân hàng nước ngoài và liên doanh tại Việt Nam vẫn chỉ quanh mức 10% trong 10 năm qua.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM có một góc nhìn khác về sự không mặn mà này, đó là sự thận trọng của Chính phủ trong mở cửa thị trường tài chính.
“Tôi còn nhớ, trong các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do, nội dung về mở của thị trường tài chính luôn nảy lửa. Điều này cho thấy sự quan tâm của phía nước ngoài đối với lĩnh vực này, đồng thời thể hiện sự thận trọng của Việt Nam, sự thận trọng cần có từ bài học của các cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực và thế giới. Nhưng nếu đánh giá tác động từ sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này tại Việt Nam, thì lợi ích nhiều hơn”, ông Võ Trí Thành phân tích từ thời điểm Citigroup hiện diện tại Việt Nam từ năm 1995 đến nay, với sự trưởng thành của thị trường tài chính, từ khung khổ pháp lý đến các ngân hàng thương mại...
Đây là lý do ông Thành cho rằng, các quyết định nới room cần đi kèm với công cụ quản lý, kiểm soát, nhất là phải gắn với kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, kế hoạch sửa đổi hệ thống văn bản liên quan đến các tổ chức tín dụng, đến quản trị doanh nghiệp...
“Có thể là một tỷ lệ chung ở mức 30, tới đây có thể tăng lên 35%. Nhưng cùng với đó, có thể có quy định riêng, cụ thể là 49% dành cho 2 ngân hàng thương mại tư nhân cho nhà đầu tư EU. Các chuyên gia CIEM lo ngại về cạnh tranh bất bình đẳng, nhưng có thể coi như đây là phần thưởng cho người thắng cuộc, khi mở room để tăng cầu hay vươn ra thị trường nước ngoài...”, TS. Võ Trí Thành đề xuất.
Tỷ lệ bao nhiêu là phù hợp?
Báo cáo của CIEM không xác định cụ thể mức điều chỉnh, dù có đề cập các ý kiến cho rằng, nếu điều chỉnh quá nhỏ đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại sẽ không giúp cải thiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
“Nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ở mức hợp lý khó có thể dẫn đến mất kiểm soát và/hoặc mất ổn định hệ thống ngân hàng trong nước. Mấu chốt là phân biệt room cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và room cụ thể cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Nhưng chúng tôi không đưa ra đâu là con số hợp lý, chỉ đề xuất tiếp cận mở hơn vì lợi ích rõ ràng hơn, cần đối thoại cởi mở hơn với cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề này. Còn các con số cụ thể là công việc của Ngân hàng Nhà nước”, ông Dương nói.
Sự thận trọng này đến từ những thách thức từ việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có thể ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của các ngân hàng thương mại đối với các chính sách và chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, như vấn đề hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, tham gia ổn định vĩ mô...
TS. Cấn Văn Lực cũng chia sẻ sự thận trọng này với câu hỏi liệu nhà đầu tư ngoại có mặn mà tham gia ở tỷ lệ 35- 49% hay không? “Theo tôi, quan điểm phải mở hơn theo nghĩa cần có sự gặp nhau hài hòa của cả cung và cầu”, ông Lực khuyến nghị.
Cũng phải nói thêm, các nước trong khu vực đã cân nhắc tích cực việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ông Dương cũng cho biết, mức độ điều chỉnh tăng và lộ trình thực hiện có sự khác biệt giữa các nước, tùy đặc thù cụ thể và quyết tâm của từng nước đối với việc cải thiện hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại thông qua hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài.
“Tôi muốn nhắc tới bài học từ Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia rằng, nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giúp tăng xác suất lựa chọn được nhà đầu tư nước ngoài có năng lực và việc sớm có kế hoạch nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp chiếm ưu thế trong đàm phán và hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Dương nói.
Đặc biệt, năng lực cạnh tranh đang mạnh lên của hệ thống ngân hàng thương mại trong nước cũng là tác nhân giảm thiểu rủi ro về sự chi phối của nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu giữ trần 30% như hiện tại sẽ khó hỗ trợ các ngân hàng thu hút được vốn.
- Bà Virginia Foote, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Bay Global Strategies
Cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đang mở ra khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi. Ngân hàng cũng là lĩnh vực sẽ có nhiều cơ hội.
Các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ quan tâm đến tổng thể cả ngành, mà còn rất quan tâm đến từng ngân hàng thương mại cụ thể, để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Mỗi nhà đầu tư sẽ có cách tiếp cận riêng, khẩu vị rủi ro khác nhau, nhưng nếu giữ trần 30% như hiện tại sẽ khó hỗ trợ các ngân hàng thu hút được vốn.
Việc đưa trần sở hữu lên trên 30% sẽ là thông điệp rất tích cực cho thấy, Việt Nam muốn tăng cường sức mạnh hệ thống ngân hàng và muốn các nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác chiến lược nước ngoài tham gia quá trình này.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cần được quy định theo hướng phân loại theo nhóm.
- TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)
Nới room ngoại sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tất nhiên, việc tăng room cần thận trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với vai trò quản lý nhà nước.
Có thể, giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cần được quy định theo hướng phân loại theo nhóm, dựa trên đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ, các ngân hàng đã hoàn thành chuẩn Basel II, đang nâng cao lên chuẩn Basel III có thể nâng trần room cao hơn 30%.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp mạnh hơn để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.