Đồ họa: Đan Nguyễn |
Ngân sách có thể chi bao nhiêu?
Để đạt mức tăng trưởng 6,5% năm 2022, Việt Nam cần chi thêm khoảng 243.000 tỷ đồng so với năm 2021.
Đây là tính toán quy mô gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dựa trên kịch bản mô phỏng về thâm hụt, tăng trưởng và nợ công của Việt Nam tính từ năm 2021 đến năm 2026 mà PGS-TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 ngày hôm qua (ngày 5/12).
Các khoản chi này được khuyến nghị dành cho y tế, chi cho đầu tư kết cấu hạ tầng (các dự án có tính liên vùng, đã hoàn thành cơ bản các thủ tục đầu tư), chi cho đào tạo lại lao động (chuyển đổi nghề nghiệp), chi cho xây dựng các khu nhà ở xã hội, các dự án cải tạo chung cư cũ. Phần chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp được đề xuất thêm giải pháp cho phép chuyển lỗ về trước hoặc chính sách cấp bù chi phí bên cạnh tiếp tục các chính sách miễn, hoãn, giảm thuế đang áp dụng.
Như vậy, nếu lấy mức cao về chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2022 mà Quốc hội vừa thông qua trong kỳ họp tháng 11/2021, so với số liệu dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của Bộ Tài chính, bội chi cần tăng thêm 1,8% GDP. “Mức bội chi mới sẽ là 5,8%”, PGS-TS Vũ Sỹ Cường nói.
Nhưng mức này được khuyến nghị giảm ngay trong năm 2023, khi gói hỗ trợ tài khóa giảm xuống, với mức bội chi ngân sách dự kiến khoảng 4,2% GDP (so với tỷ lệ 3,7% GDP trong Dự thảo ngân sách trung hạn).
“Với kịch bản này, Việt Nam chỉ cần duy trì gói hỗ trợ tài khóa thêm khoảng 2,4-2,8% GDP cho năm 2022 và giảm xuống còn 1,4% GDP cho năm 2023 (theo số liệu GDP đã điều chỉnh).
Từ năm 2024, kết thúc gói hỗ trợ, mức bội chi sẽ quay về mức trung bình là 3% GDP. Khi đó, nợ công chỉ dao động khoảng 48% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng không đáng kể khi Chính phủ huy động các khoản vay qua trái phiếu chính phủ dài hạn”, PGS-TS Vũ Sỹ Cường làm rõ những lo ngại liên quan đến áp lực nợ công, bội chi ngân sách cho đề xuất của mình với Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế 2022-2023.
Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mà PGS-TS Vũ Sỹ Cường dẫn lại, tổng gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam đến tháng 9/2021 (cả gián tiếp và trực tiếp) chỉ khoảng 2,85% GDP. Đây là tỷ lệ khá khiêm tốn và thận trọng, thấp hơn mức trung bình các nước trong khu vực, nên giới chuyên gia đều đồng thuận về dư địa chính sách tài khóa còn sử dụng được cho gói hỗ trợ tới đây.
Tất nhiên, mở rộng dư địa tài khóa cũng đứng trước những thách thức lớn, rõ nhất là giảm nguồn thu và tăng chi ngân sách nhà nước do tác động của Covid-19, từ tính bền vững của nguồn thu. Hiện tại, ngân sách vẫn đang phụ thuộc lớn vào một số nguồn thu không bền vững và khó dự tính chính xác như thu từ tài sản nhà nước, thu từ cấp quyền sử dụng đất... Các khoản thu này vẫn chiếm xấp xỉ 16% tổng thu ngân sách nhà nước những năm gần đây.
Nền kinh tế đang cần bao nhiêu để phục hồi?
Ở góc nhìn tổng thể hơn, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của Nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (VASS) do Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn đưa ra tại Diễn đàn dự kiến khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương 8% GDP năm 2020.
Nhóm này gọi đây là gói can thiệp kinh tế giai đoạn 2022-2023, dành cho 4 lĩnh vực ưu tiên, gồm củng cố hệ thống y tế, hệ thống an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công. Đáng quan tâm là, những khuyến nghị chi tiêu rất chi tiết. Ví dụ, gói củng cố hệ thống y tế 76.000 tỷ đồng dành cho những hạng mục như chi cho phòng dịch, chi xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, chi y tế cho phòng dịch và điều trị Covid- 19, chi nghiên cứu vắc-xin và thuốc chữa bệnh, chi mua vắc-xin để thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân…
Đặc biệt, PGS-TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh đến yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn khi đề xuất dành khoảng 244.000 tỷ đồng cho việc này. Căn cứ của mức đề xuất này là tính đến tháng 10/2021, tổng hỗ trợ đã thực hiện là 122.000 tỷ đồng. Sắp tới, để đảm bảo tính khả thi, các chính sách hỗ trợ có thể tiếp tục cố gắng duy trì mức này trong 2 năm 2022-2023, nhưng có thể thay đổi cách làm.
Theo ông Tuấn, hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua chưa cao, chưa đúng đối tượng, hoặc thủ tục hỗ trợ còn phức tạp. Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và chi phí vận chuyển tăng mạnh, chịu gánh nặng các chi phí bảo đảm vừa sản xuất, vừa chống dịch... lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp tuy sản lượng sản xuất giảm, nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước thì lại được nhận hỗ trợ.
“Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực bị “đóng băng” do dịch bệnh, như du lịch, khách sạn, nhà hàng..., việc miễn, giảm thuế thu nhập thực sự không có nhiều ý nghĩa”, ông Tuấn lý giải.
Cùng với đó, PGS-TS Bùi Quang Tuấn đề nghị sử dụng thêm công cụ chính sách tiền tệ, cụ thể là hạ mặt bằng lãi suất, để giảm giá vốn cho doanh nghiệp…
Cũng phải nói thêm, mặc dù năm 2022 có tồn tại rủi ro lạm phát từ quốc tế, song do tổng cầu trong nước rất yếu cộng với việc tổng giá trị bán lẻ hàng hóa quý III sụt giảm mạnh, chỉ số giá tiêu dùng trong 11 tháng chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, nên khả năng vẫn còn dư địa nhất định để mở rộng chính sách tiền tệ.
Vì vậy, các giải pháp điều chỉnh tạm thời các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng nhằm hỗ trợ việc huy động và cho vay; thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay đối với một số ngành nghề và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cũng đang được nhiều chuyên gia đề xuất.
Các doanh nghiệp nói gì?
Thời gian có thể cầm cự được đối với nhiều doanh nghiệp là tương đối ngắn và những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đương đầu là rất lớn, nên các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi cần thực hiện kịp thời và hiệu quả.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã đúc rút đề xuất này gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 từ cuộc khảo sát do VCCI thực hiện trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2021 để tìm hiểu sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Câu hỏi được VCCI đặt ra cho doanh nghiệp là “doanh nghiệp có thể cầm cự thêm bao lâu nữa nếu Chính phủ tiếp tục duy trì đồng thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phong tỏa tạm thời và triển khai tiêm vắc-xin?”.
“Kết quả cho thấy, một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. Doanh nghiệp nông lâm, thủy sản chỉ cầm cự được trung bình 4,7 tháng; doanh nghiệp thông tin truyền thông là 4,9 tháng và doanh nghiệp xây dựng là 5,3 tháng”, ông Tuấn cho biết.
Dịch bệnh có tác động rõ ràng theo khu vực. Doanh nghiệp tại Đông Nam bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long - bị ảnh hưởng mạnh bởi đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, nên sức chịu đựng chung của doanh nghiệp khu vực này cũng thấp hơn, chỉ cầm cự được 5 - 5,3 tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc có thể kéo dài hoạt động thêm 8,4 tháng.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý rằng, khoảng thời gian doanh nghiệp có thể cầm cự thêm được tính từ thời điểm trả lời khảo sát. Đến thời điểm tháng 12/2021, trung bình thời gian còn lại cho doanh nghiệp cũng chỉ khoảng 3 tháng nữa.
Tất nhiên, khảo sát này chưa tính tới những tác động tích cực từ một loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được Quốc hội, Chính phủ ban hành trong 2 tháng qua, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 và Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”…
Song rõ ràng, doanh nghiệp đang rất yếu.
Đây là điều mà TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặc biệt quan tâm khi bàn về các đề xuất gói lớn để phục hồi, dù rằng, ông là người ủng hộ quan điểm có thể đưa tổng giá trị gói này lên tới 10% GDP.
“Nếu doanh nghiệp chưa phục hồi mà gói tiền tệ đã tung ra, thì tiền không thể hấp thụ được, kéo theo nguy cơ lạm phát tăng cao do cung tín dụng tăng. Quan điểm của tôi là cần có trình tự cho việc thực hiện gói hỗ trợ, bắt đầu từ chính sách tài khóa, để tăng cầu trong nước. Đây là cơ sở để doanh nghiệp trở lại, từ đó triển khai các gói hỗ trợ cấp bù lãi suất mà Chính phủ cũng đang cân nhắc”, ông Cung đề xuất.
Với quan điểm này, ông Cung trông vào các gói hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động, miễn giảm một số loại thuế cần thực hiện ngay vào đầu năm 2022, thúc đẩy cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Trong đề xuất của Nhóm nghiên cứu của VASS, gói củng cố hệ thống an sinh xã hội được thiết kế để hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho 4,1 triệu người lao động với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người trong 6 tháng; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ 1,85 đến 3,71 triệu đồng/người, tùy thời gian nghỉ việc… Trong khoản mục chi, các nhóm lao động đang nuôi con dưới 6 tuổi, hoặc mang thai cũng được hỗ trợ… Như vậy, khoản 58.000 tỷ đồng có thể chi ngay.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng đề xuất cần làm rõ chương trình giải ngân đầu tư công, với đầy đủ nguồn lực, dự án và đặc biệt là kỷ luật thực thi.
Theo cách tính lâu nay là một đồng đầu tư công kéo theo 5 đồng đầu tư xã hội, thì nền kinh tế sẽ được kích hoạt khá mạnh từ việc thực hiện bằng được các kế hoạch trên. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu đến cuối năm 2021 mà tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt khoảng 55% so với kế hoạch thì nguồn lực này chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Trong đề xuất của VASS, gói can thiệp kinh tế sẽ dành 288.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2 năm 2022-2023, thấp hơn mức đầu tư công trung bình hàng năm theo kế hoạch đầu tư công trung hạn (2,87 triệu tỷ đồng trong 5 năm 2021-2025, trung bình 574.000 tỷ đồng/năm). Lý do là để đảm bảo khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Có thể thấy, lộ trình, giải pháp, cách làm cụ thể với ưu tiên rõ ràng của các gói phục hồi sẽ khiến doanh nghiệp phấn chấn lên rất nhiều, hơn là chỉ nhìn vào các con số.