Ông Lê Phước Thanh mới được tỉnh ủy Quảng Nam bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2011-2015 hôm 27/2/2015, với số phiếu ủng hộ 100%. Nếu tính tuổi nghỉ hưu đúng theo qui định, ông Thanh còn công tác đến tháng 10/2016.
Trước đó, đã có các trường hợp xin nghỉ hưu trước tuổi, như ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) hồi tháng 6/2015. Ông Sự được chấp thuận nghỉ hưu khi mới 57 tuổi và được đánh giá là còn dư năng lực đảm nhận nhiệm vụ, cũng như vẫn nhận được nhiều tình cảm yêu mến của cộng sự và người dân địa phương.
Ông Sự được biết là người nhiệt tâm góp công sức đưa Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới (năm 1999), có nhiều quyết sách đưa Hội An thành điểm đến lý tưởng với du khách nước ngoài.
Cũng trong tháng 7/2015, ông Phạm Thế Tập, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hải Dương (tỉnh Hải Dương) có đơn từ nhiệm chờ nghỉ hưu.
Dư luận từng nói đến "văn hóa từ chức". Nó được nhắc đến trong một số trường hợp, và thậm chí được so sánh với một số chính khách nước ngoài. Như khi xảy ra vụ chìm phà ở Hàn Quốc, thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản..., những vị lãnh đạo ở Hàn Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố từ nhiệm vì cảm thấy không hoàn thành nhiệm vụ, không làm đúng trách nhiệm được nhân dân giao phó.
Hôm 27/4/2014, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won cúi đầu nhận trách nhiệm và xin từ chức do cách xử lý yếu kém của Chính phủ đối với vụ chìm phà Sewol làm gần 300 người chết, mất tích |
Với các trường hợp từ nhiệm ở Việt Nam vừa nêu, không phải vì một sự cố nào nghiêm trọng, cũng không chấp nhận những đồn đoán vô cớ, thì không thể không dành cho họ thái độ tôn trọng, khi họ dám chấp nhận rời vị trí mà thông thường ai cũng nghĩ gắn với đó là quyền lực, là danh vọng, hay cả "bổng lộc" nữa.
Thế nên, dư luận lại không thể không nhớ tới những trường hợp hàng loạt tài xế được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng cấp huyện (cả Huyện ủy và UBND, HĐND) ở Thanh Hóa mà báo chí đã nêu thời gian qua.
Chẳng phải dư luận ác cảm với các bác tài xế; chẳng phải dư luận không coi trọng lao động chính đáng của nghề lái xe, mà dư luận chú ý bởi các trưởng hợp "tài xế thành Chánh văn phòng huyện" này còn không đủ điều kiện để bổ nhiệm cán bộ, và hơn thế, lại còn quá tuổi.
Câu chuyện "tài xế thành Chánh văn phòng huyện" một lần nữa được nêu lên trong công bố kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo đó, hai yếu tố quan trọng tác động đến việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ là sự can thiệp của quyền lực và chạy chọt qua đường quà cáp, thân quen - mà tình trạng hàng loạt lái xe tại một số huyện Thanh Hóa được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng cấp huyện được đưa ra như một dẫn chứng.
Biểu đồ kết quả khảo sát yếu tố tác động đến tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức. |
Báo cáo dẫn hàng loạt trường hợp lái xe, không bằng cấp, quá tuổi tại một số huyện tại Thanh Hóa được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng cấp huyện.
Có thể kể đến trường hợp ông Nguyễn Hữu Hợi, lái xe cơ quan huyện ủy được Bí thư huyện Tĩnh Gia bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng huyện ủy; Ông Vũ Quang Huy, lái xe HĐND-UBND huyện Tĩnh Gia cũng được Chủ tịch UBND huyện ký bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng HĐND-UBND.
Điều đáng nói là tại thời điểm bổ nhiệm, ông Hợi, ông Huy ở tuổi 52, 51 và đều không có bằng cấp gì.
Hay như ngày 2/5/2013, huyện Nông Cống cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1958, đang là lái xe, không bằng cấp và cũng quá tuổi làm Phó chánh văn phòng huyện ủy (Thời điểm được đề bạt, ông Hiệp đã 55 tuổi).
Trước đó, ông Phạm Đức Nhần, lái xe tại huyện Lang Chánh cũng được Phó bí thư thường trực huyện này ký quyết định bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng huyện ủy.
Báo Dân trí dẫn thông tin cho biết, không có bằng đại học, lại quá tuổi nên khi ông Hiệp được bổ nhiệm, dư luận địa phương khá xôn xao. Bí thư Huyện ủy Nông Cống Phạm Minh Chính thừa nhận bổ nhiệm ông Hiệp vào chức vụ Phó chánh Văn phòng là sai.
Ông Phạm Minh Chính cũng nói trên Dân trí: “Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên Tỉnh ủy xin ý kiến và được Tỉnh ủy chỉ đạo hủy quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hiệp làm Phó Chánh VP Huyện ủy do không đủ tiêu chuẩn. Chúng tôi làm sai nên sẽ phải sửa. Sắp tới, sau khi có chỉ đạo, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý ngay”.
Báo Vietnamnet dẫn lời ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, rằng việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng.
Về kết quả khảo sát, ông Minh cho biết, yếu tố năng lực đã không được nhiều địa phương đề cao và không phải là then chốt trong việc tuyển dụng. “Cả người dân và cán bộ, công chức đều nói sự tác động của người có chức có quyền đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức có tác động rất lớn”, ông Minh nói.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh vừa có đơn gửi cấp trên xin từ nhiệm dù còn thời hạn công tác đến tháng 10/2016 |
Hai thái cực trái ngược ở trên, hẳn cũng mang lại nhiều suy nghĩ. Vì sao những người đương chức, thậm chí còn hàng năm đàng hoàng ngồi ở vị trí mình đã được lựa chọn, bổ nhiệm một cách chính đáng và đúng quy định, lại muốn thôi nhiệm? Có người nói muốn dành cơ hội cho lớp trẻ, có người thì vì lý do sức khỏe, có người vì một lý do cụ thể khác. Nhưng vì cái gì, những người chấp nhận và tự giác đề xuất rời chiếc ghế quyền lực đang ngồi cũng đáng để mọi người suy nghĩ.
Mặt khác, những người được cất nhắc và người đã quyết định cất nhắc nhân sự vào một vị trí công tác, dù người đó chưa đủ các điều kiện, thậm chí không đúng tiêu chuẩn thông thường (chưa nói đến các yếu tố khác như trình độ, nhân cách...) cũng nhận ra quyết định của mình lạc lõng (chưa nói đến sai) như thế nào trong xã hội.