Nhiều chi phí đầu vào của doanh nghiệp như điện, chi phí logistics, chi phí hạ tầng cảng biển… vẫn còn ở mức cao |
Chuyển biến từ người đứng đầu
Hà Nội lần đầu đã thực hiện cấp phép xây dựng trong 10 ngày làm việc, giảm tới 2/3 thời gian so với 30 ngày theo quy định sau khi triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Thành phố với phần mềm một cửa điện tử và liên thông. Thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng giảm hơn một nửa, từ 30 ngày xuống còn 14 ngày.
TP.HCM đã có hơn 6 tháng triển khai phục vụ đăng ký đầu tư trực tuyến, tiếp nhận thông tin đăng ký bất kỳ thời điểm nào (24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần). Thời gian giải quyết hồ sơ hiện chỉ còn 7 ngày làm việc so với quy định 15 ngày.
Đà Nẵng xác định xử lý thủ tục hành chính đến khi hết công việc, không giới hạn theo giờ hành chính. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp hàng tuần cà phê với doanh nghiệp, giải quyết khó khăn tại chỗ…
Việc sửa đổi, bổ sung chức năng và nhiệm vụ của Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp, khẩn trương xây dựng để tăng cường nguồn vốn cho khu vực doanh nghiệp này. Cùng với đó, các bộ, ngành cũng đang rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được thực hiện…
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, còn nhiều thực tiễn sinh động được nêu trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 vào ngày 17/5 tới đây.
Doanh nghiệp vẫn chưa hết khó
Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Thủ tướng Chính phủ vẫn dành tới một nửa dung lượng cho những vướng mắc chưa được giải quyết. “Tiếp cận vốn, chi phí đầu vào và công tác thanh tra, kiểm tra vẫn là những nội dung có nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần có giải pháp để cải thiện mạnh mẽ hơn”, ông Hùng cho biết.
Cụ thể, các doanh nghiệp kiến nghị lãi suất vay vốn vẫn ở mức cao; thủ tục vay vốn còn rườm rà, phức tạp đối với doanh nghiệp. Việc giảm chi phí cho doanh nghiệp chưa đi vào thực tế và còn chậm, điển hình là phí BOT vẫn quá cao; chưa có thống nhất mức thu phí giữa các địa phương đối với các loại hình mỏ, khoáng sản…; chi phí đầu vào của doanh nghiệp như điện, chi phí logistics, chi phí hạ tầng cảng biển… vẫn còn cao.
Riêng công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nội dung thanh tra, kiểm tra.
“Chúng tôi cũng kiến nghị nghiêm túc thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với một doanh nghiệp không quá một lần trong một năm, trong đó lưu ý việc phối hợp thanh tra liên ngành, tập trung trong các lĩnh vực nổi cộm như thuế, kiểm toán, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động… Đây là giải pháp quan trọng, góp phần tạo lòng tin và yên tâm đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hùng cho biết.
Kể từ ngày 1/10/2016 đến 15/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận 411 kiến nghị của doanh nghiệp; trực tiếp xử lý trả lời 66 kiến nghị, chuyển cho các bộ, ngành và địa phương 345 kiến nghị, trong đó các bộ, ngành đã trả lời 255/345 kiến nghị của doanh nghiệp.
63/63 tỉnh, thành phố đã ký cam kết với VCCI về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, hiện có 95/115 quy trình đạt tiêu chuẩn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%.
Hệ thống khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63 cục thuế và 100% chi cục thuế trực thuộc.
Doanh nghiệp kê khai điện tử đạt tỷ lệ 99,64 % và được hỗ trợ nộp thuế xuất - nhập khẩu bằng phương thức điện tử.
Số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế năm 2016 đã giảm 85 thủ tục so với năm 2015.