Phiên thảo luận Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) của các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách |
Lo từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác
Theo nghị trình, tại kỳ họp thứ ba (khai mạc tháng 5/2022), Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi) - hai đạo luật được cho là rất khó, có nhiều chính sách mới.
Thế nhưng, từ kỳ họp thứ hai (thảo luận lần đầu) cho đến quá trình hoàn thiện sau đó ở cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và mới đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, một vấn đề không hề mới vẫn chưa thể đi đến thống nhất, đó là quy định về quỹ tại 2 dự thảo luật.
Theo dõi cả quá trình xây dựng pháp luật của nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, sẽ hiểu ngay vì sao lý lẽ của cơ quan soạn thảo chưa thuyết phục được đại biểu Quốc hội.
Năm 2019, khi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, hệ thống pháp luật về hình thành, quản lý, sử dụng các quỹ phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch, không rõ ràng và không phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn.
Mặt khác, việc kiểm tra, giám sát còn buông lỏng, dẫn đến hiệu quả thực sự của các quỹ chưa cao, không chỉ không đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu khi thành lập, mà còn có vi phạm. Không ít trong tổng số 48 quỹ tại thời điểm đó được đề nghị bãi bỏ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, người đã có hơn 5 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, khi đó đã nêu rõ, đại biểu Quốc hội từ các khoá trước cũng đã nói rất nhiều là tại sao cứ mỗi lần làm một luật lại sinh ra một quỹ, trong khi với hành lang pháp lý chưa đủ, việc kiểm soát các quỹ là rất khó khăn. Và như thế, trước hết, Quốc hội phải có trách nhiệm về việc chưa tạo hành lang pháp lý đủ ở tầm cao để khi hình thành các quỹ có thể kiểm soát được.
Sau cuộc giám sát đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết dừng hoạt động, giải thể hoặc cơ cấu lại đối với các quỹ không có khả năng tự cân đối, hoạt động không hiệu quả hoặc quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước. Tiếp đến, Nghị quyết 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sắp xếp lại các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước hoặc không còn phù hợp.
Trong bối cảnh ấy, thông tin về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm và Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh được trình Quốc hội với lý lẽ khá yếu. Cụ thể, dù đã được quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006, nhưng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh đến nay vẫn chưa thành lập được, do chưa xác định được nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của Quỹ.
Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm có cùng mục đích như Quỹ Dự trữ bắt buộc (Luật Kinh doanh bảo hiểm) và kể từ khi được thành lập đã 12 năm, chưa có đồng nào được chi.
Đáng chú ý là, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 9/2021, Chính phủ đã đồng ý dừng trích Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Tại phiên họp thứ 9 (ngày 22/3/2022), đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dừng trích nộp Quỹ này. Nhưng sau đó, Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi) đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ.
Hai bên đều kiên trì quan điểm
Tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, quan điểm “không nên quy định cả hai quỹ nói trên” chiếm đa số trong các ý kiến tham gia thảo luận cả ở tổ và ở hội trường.
Cơ quan thẩm tra 2 dự án luật cũng kiên trì chỉnh lý dự thảo luật theo hướng đó. Vì Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh quy định như Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định tại khoản 11, Điều 8, Luật Ngân sách nhà nước. Còn việc duy trì đồng thời Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm với Quỹ Dự trữ bắt buộc ở Luật Kinh doanh bảo hiểm là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.
Nhưng, ở các vòng thảo luận, cả 2 vị Bộ trưởng - Trưởng ban Soạn thảo 2 dự án luật cũng kiên trì không kém để bảo vệ sự cần thiết phải duy trì hai Quỹ.
Với Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, có quy định rồi mà không làm được là có một phần lỗi của Bộ trong công tác tham mưu cho Chính phủ. Nhưng Bộ trưởng khẳng định, đề nghị tiếp tục quy định Quỹ này không phải là cơ quan soạn thảo mong muốn có một đặc quyền, đặc lợi, mà đó là vấn đề chính sách của Nhà nước đầu tư cho điện ảnh, nếu không nhìn vào quỹ này thì sẽ khó khăn.
Ông Hùng cũng cho biết, đã nhìn thấy khoản thu của Quỹ từ việc nhượng quyền thương hiệu phim, từ những sản phẩm đi theo sau một bộ phim ra đời, nói chung là từ nguồn lợi gia tăng trong công nghiệp điện ảnh. Có được quỹ đó, chúng ta sẽ không bị phụ thuộc, vì một số quỹ điện ảnh muốn tài trợ cho Việt Nam, nhưng lại bắt phải đi theo họ.
“Chúng ta thừa biết không có bữa trưa miễn phí nào của các quốc gia phương Tây, khi cho Việt Nam và ở các quốc gia phát triển khác, họ đều có quy định này. Các đồng chí xem phim trên không gian mạng đều có chú thích rõ ràng là phim được sản xuất theo quỹ của đất nước họ. Vậy tại sao Việt Nam lại không chịu cho quỹ này, nếu cho quỹ này thì tốt và chúng ta sẽ quản lý để làm cho tốt hơn”, Bộ trưởng giải trình với các vị đại biểu Quốc hội.
Với Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhiều lần khẳng định, cần tiếp tục giữ để Nhà nước có thể can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản. “Doanh nghiệp bảo hiểm dù có quỹ dự trữ, nhưng cũng có khả năng gặp những vấn đề bất khả kháng, thì quỹ này dùng để can thiệp”, Bộ trưởng giải thích.
Người đứng đầu ngành tài chính cũng lý giải, Quỹ Dự trữ bắt buộc và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm tuy cùng một mục tiêu là bảo vệ cho người được bảo hiểm, nhưng hình thành khác nhau. Quỹ Dự trữ bắt buộc được trích từ 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm và do cơ quan bảo hiểm quản lý. Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm hiện trích 0,3% và nộp vào tài khoản do Bộ Tài chính quản lý.
Câu chuyện hai quỹ trên còn dài đến đâu, sẽ phải chờ Quốc hội quyết định. Nhưng rõ ràng, việc hoàn thiện cơ chế quản lý, đưa hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước đi vào thực chất là yêu cầu cấp thiết, để mỗi khi ban hành luật mới, Quốc hội đỡ phải “đau đầu”, bởi các loại quỹ “bỏ thì thương, vương thì tội”.