Năm 2023, trong khi cả châu Á ghi nhận xu hướng sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài, với mức giảm 12% so với năm 2022, thì Việt Nam vẫn thu hút hơn 39,4 tỷ USD vốn đăng ký mới, tăng 34,5% so với năm 2022.
Những con số nói trên một lần nữa khẳng định, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản công nghiệp có sức hút rất lớn. Nhưng để đón được “đại bàng”, thì các khu công nghiệp của Việt Nam buộc phải chuyển đổi toàn diện, nhằm đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có tiêu chuẩn xanh.
Nói như ông Trần Thiên Long, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam, “nếu không đưa ra những hành động cụ thể cho việc chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, thì chắc chắn, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn này”.
Lý do là qua tiếp xúc với các nhà đầu tư, ông Long nhận thấy, hầu hết doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều mong muốn đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái, vào nhà máy chuyển đổi xanh, nhà máy chuyển đổi số hiệu quả và có công nghệ cao.
Thực tế cho thấy, trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh, sạch rất quan trọng, do đây là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào một thị trường khó tính. Đồng thời, mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững cũng đã được đưa vào các cam kết về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Vì vậy, mô hình phát triển khu công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, với động lực phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng về đất dần không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Cũng vì vậy, việc xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái…, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu, là rất cần thiết.
Trên thực tế, trong 3 năm Báo Đầu tư tổ chức Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam, xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái từng được các chuyên gia và doanh nghiệp nhận diện rõ và đến nay, đã có những thay đổi đáng kể.
Công nghiệp hiện là ngành dẫn đầu trong việc đạt được các chứng nhận công trình xanh, từ phát triển bất động sản đến vận hành và sản xuất. Kết quả khảo sát do Bộ Xây dựng và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tiến hành mới đây cho thấy, phần lớn dự án xanh là các dự án công nghiệp, với 55% dự án xây dựng xanh ở Việt Nam đến từ ngành công nghiệp.
Dữ liệu trong năm 2023 cũng cho thấy, hơn 70% dự án đạt chứng nhận LEED thuộc nhóm công trình công nghiệp là nhà máy và nhà kho; 38% dự án đạt chứng nhận EDGE cũng thuộc ngành công nghiệp.
Vừa qua, có một số chủ đầu tư tại Việt Nam tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái. Song quá trình này còn gặp một số trở ngại như doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm, không hiểu được mô hình chuyển đổi, khó khăn về vốn…
Đây là nguyên nhân chủ quan, có thể khắc phục được, nhưng bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khách quan khác, bởi nhìn về tổng thể, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái hiện liên quan đến nhiều luật khác nhau như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng… Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp gặp khó khi muốn đưa chất thải ra bên ngoài phạm vi của mình để cung cấp cho đơn vị khác, trong khi quy định là chất thải phải được xử lý trước khi đưa ra ngoài. Việc tái sử dụng nước thải sau xử lý cũng chưa có hướng dẫn và quy chuẩn kỹ thuật cụ thể...
Xây dựng khu công nghiệp xanh để thu hút vốn đầu tư là xu thế chung, là con đường mà các nhà phát triển bất động sản công nghiệp buộc phải đi, chứ không đơn thuần là sự lựa chọn. Nhưng để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đã đến lúc các bộ, ngành và địa phương cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, rốt ráo giải quyết những vướng mắc trong đầu tư phát triển khu công nghiệp sinh thái, với mục tiêu chung là không chỉ khắc phục những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị, qua đó tạo tác động lan tỏa tới thu hút dòng vốn đầu tư thế hệ mới.