Đầu tư Phát triển bền vững
Chuyển đổi kép là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt
Kỳ Thành - 12/11/2024 10:13
Nhấn mạnh thông điệp này tại Hội thảo thường niên Phát triển bền vững, đại diện đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình triển khai chuyển đổi xanh - chuyển đổi số.
TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Chí Cường

Phát biểu tại Hội thảo thường niên Phát triển bền vững với chủ đề “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức, diễn ra sáng 12/11, TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững.

Theo ông Lê Việt Anh, Trong những năm gần đây, chuyển đổi xanh đã trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để triển khai mục tiêu này, Việt Nam hiện đang thực hiện nhiều chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Vấn đề chuyển đổi xanh đã được tích cực lồng ghép và thúc đẩy triển khai thông qua các Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch, Chương trình, Đề án của quốc gia, ngành/lĩnh vực và địa phương. Theo đó, chuyển đổi xanh bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

Đối với chuyển đổi số, mặc dù đi sau chuyển đổi xanh, nhưng trong mấy năm trở lại đây, đặc biệt dưới tác động của dịch COVID-19, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng chính trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhận thức được chuyển đổi số là quá trình phát triển tất yếu trên toàn cầu và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài lộ trình ấy, Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.

“Có thể nói, phát triển kinh tế số sẽ là con đường tạo ra những bứt phá quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng thời, giúp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030”, ông Lê Việt Anh khẳng định.

Khẳng định chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã trở thành những ưu tiên hàng đầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới để hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn, tuy nhiên, ông Lê Việt Anh cho biết, hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả cho doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế của nền kinh tế nói chung.

Ông Lê Việt Anh dẫn chứng, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng Chuyển đổi kép, đó là trong giai đoạn 2017 - 2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).

Qua đó cho thấy, xu hướng Chuyển đổi kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.

Ông LêViệt Anh khẳng định, xu hướng Chuyển đổi kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới. Ảnh: Chí Cường

Gợi mở một số vấn đề để Hội thảo cùng thảo luận, trao đổi liên quan đến quá trình Chuyển đổi kép của Việt Nam trong thời gian tới, ông Lê Việt Anh cho rằng, thứ nhất, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng đó là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, việc ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là nền tảng tiên quyết để triển khai thực hiện thành công Chuyển đổi kép.

Thứ hai, đích đến của Chuyển đổi kép đều do con người và vì con người, lấy con người là trung tâm. Do vậy, quá trình chuyển đổi này cần được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, bình đẳng và chúng ta cần có lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong quá trình này.

Thứ ba, việc triển khai Chuyển đổi kép cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan, trong đó, nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Thứ tư, việc triển khai Chuyển đổi kép luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin. Nhân đây, tôi kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp FDI cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong quá trình Chuyển đổi kép này.

Thứ năm, muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải dùng chuyển đổi xanh vì công nghệ số giúp tăng tốc cả thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, song, bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn vì nó tiêu tốn nhiều năng lượng.

TS. Lê Việt Anh tin tưởng, Hội thảo “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức là một dịp quan trọng để các bên cùng nhau đối thoại, trao đổi, thảo luận về các thực tiễn tốt, các khó khăn, thách thức và kiến nghị đối với cấp thẩm quyền để thúc đẩy Chuyển đổi kép trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác