Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giám đốc Khoa học Viện John von Neumann. (Ảnh: VERP) |
Được coi là yếu tố không thể đảo ngược, chiếc chìa khóa thành công của tương lai, chuyển đổi số đang dần trở thành yếu tố tối quan trọng đưa doanh nghiệp đến thành công.
Tuy nhiên, trước những lợi thế tuyệt vời mà chuyển đổi số mang lại bằng việc ứng dụng công nghệ vào mọi khía cạnh trong hoạt động, nhiều chuyên gia đánh giá, không ít doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn có những hiểu lầm “tai hại” về chuyển đổi số và chưa sẵn sàng để ứng dụng và thay đổi.
Chuyển đổi số rất tốn kém?
Anh Phạm Tuấn Tài, chủ một doanh nghiệp nhỏ quy mô gia đình chuyên về sản phẩm đồ gốm cho biết, khá quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, điện thoại di động. Tuy nhiên, anh cũng cho biết mình chưa ứng dụng công nghệ gì nhiều vì lo tốn kém do quy mô kinh doanh nhỏ và ít nhân viên.
Trường hợp như anh Tài không phải là cá biệt khi tới hơn 90% doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó, còn không ít doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số là việc của các doanh nghiệp, tập đoàn hay các “ông lớn” công nghệ, chứ không có chỗ cho các doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp truyền thống.
Thực tế hành trình chuyển đổi số trên thế giới, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh tay ngay từ khi bắt đầu thực hiện nhưng lại không đạt được hiệu quả như mong đợi. Do đó, điều quan trọng là phải nắm chắc các trụ cột của chuyển đổi số và ứng dụng linh hoạt vào doanh nghiệp của mình.
Một lầm tưởng nữa khi không ít doanh nghiệp gặp phải khi cho rằng, chuyển đổi càng nhanh thì hiệu quả sẽ càng cao. Chuyển đổi số đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải thay đổi mọi khía cạnh và hoạt động, kể cả hoạt động nhỏ nhất hay áp dụng cùng một lúc nhiều xu hướng công nghệ mới được cho là mang lại hiệu quả cao và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Chuyển đổi số - Cơ hội để Việt Nam vươn lên chính mình
Theo thống kê của IDC, đến năm 2022, các doanh nghiệp sẽ chi ra hơn 2.000 tỷ USD cho các dự án chuyển đổi số. Bên cạnh đó, việc ứng dụng chuyển đổi số đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải trang bị máy móc thiết bị và hệ thống phần mềm mới.
Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giám đốc Khoa học Viện John von Neumann, chuyển đổi số không phải dùng công nghệ mới mà dùng công nghệ để thay đổi nền tảng doanh nghiệp từ cơ sở hạ tầng, phương thức hoạt động đến nhân sự, trong đó quan trọng nhất là tư duy, nhận thức của người đứng đầu. Quốc gia chuyển đổi số cũng có nền tảng tương tự nhưng với quy mô quốc gia.
Chuyển đổi số là hành trình mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể theo đuổi, đặc biệt là doanh nghiệp truyền thống, một trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Đây cũng chính là mô hình cần đến chuyển đổi số nhất để trở nên linh hoạt và sáng tạo hơn. Nếu không nhanh chóng bắt kịp các xu thế công nghệ, các doanh nghiệp sẽ sớm bị đào thải trong tương lai không xa.
Giáo sư Hồ Tú Bảo cũng cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội vô giá và cuối cùng của Việt Nam vượt lên chính mình, đồng thời có thể sánh vai với các quốc gia phát triển trên thế giới.
“Những cuộc cách mạng trước đều phải dựa trên nền tảng công nghiệp, điều Việt Nam không có. Cuộc cách mạng lần này dựa trên ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống, bao gồm cả nông nghiệp, du lịch… Những thế mạnh vốn có của Việt Nam. Điều này mang đến cơ hội vô giá cho Việt Nam vượt lên chính mình”, Giáo sư Hồ Tú Bảo lý giải.
“Cơ hội cuối cùng trong vài thập kỷ tới, bởi lẽ hàng chục năm mới diễn ra một cuộc cách mạng. Việt Nam hiện đã phát triển chậm hơn so với trung bình của thế giới. Nếu không bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, Việt Nam sẽ còn bị tụt hậu rất xa so với thế giới và khả năng bắt nhịp kịp với sự phát triển của thế giới sẽ gần như đánh mất”, Giáo sư Hồ Tú Bảo nhấn mạnh.