Chuyển đổi số là một quá trình liên tục với sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. |
Lực đẩy từ Covid-19
“Trong lúc di chuyển từ Bình Dương lên đây, tôi đã ký được 8 văn bản qua mạng”, ông Nguyễn Việt Long, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex bắt đầu phần thảo luận tại Hội thảo Kinh tế số - tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam, diễn ra mới đây.
Việc chuyển đổi số ở Becamex đã được thực hiện từ năm 2016, nhưng chưa đạt được nhiều thành tựu cho đến đầu năm nay - khi Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và Becamex bắt đầu tập trung chuyển đổi.
Theo ông Nguyễn Việt Long, khi không còn bị vướng bận bởi các giao dịch hằng ngày, việc chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn do toàn lực Công ty được dồn vào mục tiêu đó. Hiện nay, thời gian xử lý công việc trung bình của Becamex đã nhanh hơn ít nhất 6 lần so với trước kia, chi phí để xử lý công việc giảm đến 70%.
Có thể nói, chuyển đổi số thành công trong doanh nghiệp là bước đầu tạo nên nền kinh tế số. Khảo sát hồi tháng 9/2020 của Tập đoàn Cisco cho thấy, việc việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số có thể đóng góp 24 - 30 tỷ USD vào GDP Việt Nam năm 2024.
Trên thực tế, Covid-19 đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức và mức độ đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam so với trước khi có đại dịch. Theo Cisco, có đến 72% doanh nghiệp Việt Nam tìm cách chuyển đổi số nhằm đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng hơn 2 lần so với tỷ lệ 32% của năm ngoái.
Hơn 70% số doanh nghiệp tham gia khảo sát trên cho biết, họ nhận thấy phải chuyển đổi để bắt kịp sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác trên thị trường; 46% cho biết, khách hàng là áp lực khiến họ phải chuyển đổi.
Cần vai trò đầu tàu của Chính phủ
Vấn đề đặt ra là, chuyển đổi số là một quá trình liên tục với sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, nên việc chuyển đổi này của doanh nghiệp sẽ không thực sự thành công nếu khối cơ quan nhà nước đứng ngoài cuộc.
Ông Nguyễn Việt Long cho rằng, thành quả của Công ty có sự hỗ trợ của tỉnh Bình Dường. Kể từ năm 2015, tỉnh đã tạo ra làn sóng thúc đẩy thành phố thông minh, kinh tế số. “Đối với phát triển kinh tế số, chính quyền địa phương phải tạo ra môi trường đổi mới, sáng tạo để mọi người cùng làm”, ông Long đúc kết.
Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, có 3 khía cạnh để thúc đẩy kinh tế số phát triển. Đó là thể chế, con người và hạ tầng.
Với vấn đề thể chế, bà Hương cho rằng, cần một thể chể hỗ trợ việc chia sẻ dữ liệu giữa Trung ương và địa phương, giữa khối doanh nghiệp với cơ quan nhà nước và ngược lại. Theo đó, phải có một môi trường chia sẻ dữ liệu tin cậy, không tiết lộ thông tin doanh nghiệp hay cá nhân.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu công nghệ Phần mềm (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Về nhân lực, Chính phủ cần có chính sách giúp nhân lực trong cơ quan nhà nước đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này.
Với vấn đề hạ tầng, cần băng thông rộng phục vụ việc chia sẻ dữ liệu giữa các bên với nhau. Song song với đó là phát triển các dịch vụ như thanh toán điện tử, thương mại điện tử để thúc đẩy nền kinh tế số.
Trên thực tế, ngoài 3 vấn đề nói trên, còn một yếu tố quan trọng cấu thành nền kinh tế số, đó là dữ liệu. Việc phát triển các dịch vụ mới phụ thuộc rất lớn vào nguồn dữ liệu chia sẻ. Chẳng hạn, thông qua các thông tin chia sẻ về tuyến đường xe bus, doanh nghiệp có thể cung cấp ứng dụng xem tuyến xe bus và tạo ra các dịch vụ đi kèm, như thanh toán vé xe bằng điện tử.
Hay gần đây, một dịch vụ được người dân khá quan tâm là ứng dụng tra cứu thông tin, tiến độ, pháp lý, chủ dự án SXD247 do Sở Xây dụng TP.HCM và Công ty FPT IS phát triển.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu công nghệ Phần mềm (Đại học Quốc gia TP.HCM), hiện nay, dữ liệu phân tán rất nhiều nơi và nằm trong các nền tảng khác nhau trong xã hội. Chính phủ có 2 lựa chọn là tạo ra một nền tảng to hơn chứa tất cả các dữ liệu đó, hoặc tích hợp các dữ liệu lại và tạo ra một dữ liệu mở dùng chung…
Ông Vũ cho rằng, đang có một sự chuyển dịch rất lớn trong khu công nghệ cao. Đó là, có đến 95% doanh nghiệp không gia công phần mềm nữa, mà tập trung ứng dụng công nghệ, số hóa để xử lý các vấn đề của xã hội.