Bắt kịp xu hướng
Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị y tế, Công ty cổ phần Công nghệ y tế FaCare quốc tế đang tiến hành nhiều giải pháp quan trọng nhằm thực hiện chuyển đổi số, tạo đà phát triển. TS. Nguyễn Xuân Huynh, Chủ tịch HĐQT FaCare quốc tế cho hay, doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số toàn diện cho mảng y tế cả phần cứng và phần mềm để tạo thành bệnh viện thông minh (Smart Hospital).
Với hệ thống bệnh viện thông minh, doanh nghiệp có thể kết hợp hệ thống phần mềm ứng dụng cho bác sỹ gia đình và ứng dụng di động cá nhân kiểm tra và giám sát sức khỏe tại nhà (FaCare APP trên kho ứng dụng Google Play và Apple Store) để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Khi ấy người dân sẽ được hưởng lợi hơn về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe chủ động như đặt lịch khám qua điện thoại hoặc online nên không phải chờ đợi; được theo dõi và chăm sóc sức khỏe ngay cả khi kết thúc điều trị nội trú tại bệnh viện thông qua hệ thống ứng dụng và thiết bị y tế thông minh (IoT) kết nối với các bác sỹ…
Cũng theo ông Huynh, khi tham gia vào chuyển đổi số trong ngành y tế, FaCare phải tự đổi mới toàn diện từ trong nhận thức và quản trị điều hành để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các bệnh viện, cơ sở y tế, các bác sỹ và nhất là yêu cầu ngày càng cao của người dân.
Tại Học viện Marketing & Sales y dược MPG, bà Lê Phương Dung, nhà sáng lập và điều hành Học viện cho biết, đã ký kết hợp tác với Công ty DMSpro (chuyên cung cấp giải pháp phân phối bán hàng DMS trên nền tảng điện toán đám mây) hướng đến mục tiêu giúp đỡ các doanh nghiệp dược trong việc cải thiện đội ngũ nhân sự, hiện đại hóa bộ máy và hệ thống kênh phân phối.
Bà Dung nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng công nghệ DMS (Distribution Management System) - số hóa hệ thống quản lý phân phối là điều vô cùng cần thiết. Qua ứng dụng DMS thông minh, toàn bộ quy trình bán hàng được tự động hóa, giúp lực lượng sales loại bỏ thao tác thủ công, giảm sai sót và chia sẻ dữ liệu kinh doanh tức thời về doanh nghiệp. Như vậy, dù ở đâu, cấp lãnh đạo vẫn nắm bắt trực quan thị trường 24/7, bởi doanh số từng sản phẩm, hàng tồn kho, độ phủ, thông tin đối thủ cạnh tranh, hiệu quả marketing, trưng bày, khuyến mãi… đều được cập nhật trên hệ thống theo thời gian thực (real-time).
Tất cả những điều này sẽ giúp doanh nghiệp dược tiết kiệm chi phí, thông tin báo cáo minh bạch, trung thực.
Với Công ty Dược phẩm Hồng Đức, doanh nghiệp xác định công nghệ là một phần chiến lược không thể thiếu trên con đường vươn cao, vươn xa của mình. Trên hành trình chuyển đổi số đó, 3S ERP.iPHARMA là giải pháp công nghệ được doanh nghiệp lựa chọn.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó giám đốc Công ty Hồng Đức chia sẻ, phần mềm 3S ERP.iPHARMA là công cụ quản trị toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp từ đấu thầu bệnh viện đến quản trị kênh bán buôn tại các nhà thuốc, phòng khám. Nhờ hệ thống thông tin liền mạch, minh bạch, phần mềm sẽ là cánh tay đắc lực giúp Ban lãnh đạo đưa ra các quyết định, các chiến lược về chính sách giá bán, chính sách marketing.
Vẫn cần bệ phóng
Dù đang nỗ lực hết sức để thực hiện chuyển đổi số, song theo ông Nguyễn Xuân Huynh, còn một số khó khăn khiến hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Hiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số y tế chưa hoàn thiện, hạ tầng của lĩnh vực y tế còn thiếu thốn. Đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số còn là thuật ngữ mới ngay cả trong đội ngũ làm việc trong lĩnh vực y tế và người dân thành thị, chưa nói đến những người dân vùng nông thôn, vùng núi…
Do vậy, ông Huynh kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý minh bạch và công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ… để tăng tính cạnh tranh, phát huy và khuyến khích nghiên cứu, phát triển và đổi mới các công nghệ, dịch vụ mới trong y tế và chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, theo ông Huynh, cơ quan quản lý cần tạo ra các chuẩn chung, platform để các doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số y tế thực hiện kết nối chung và đồng nhất, tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung nhằm giảm chi phí và nguồn lực của Nhà nước và xã hội, cũng như làm tài sản cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới.
Còn theo bà Lê Phương Dung, để tiếp tục phát triển quá trình chuyển đổi số, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo hướng hoàn thiện chính phủ điện tử và chính quyền điện tử để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở cả khu vực công lẫn tư.
“Nhà nước cần có chính sách khích lệ doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số y tế nói riêng như hỗ trợ tài chính, các chính sách về thuế, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới, đổi mới và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ”, nhà sáng lập Học viện Marketing & Sales y dược MPG nêu ý kiến.