Bà Verena Siow, Chủ tịch, Tổng giám đốc SAP Đông Nam Á |
Theo bà, dịch bệnh Covid-19 đã tác động thế nào đến quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam?
Trong những thời khắc khó khăn nhất do dịch bệnh Covid-19, tôi nhận ra điều đó đang góp phần tích cực thúc đẩy việc triển khai công nghệ số, đặc biệt công nghệ điện toán đám mây. Các doanh nghiệp phải tìm cách để điều hành công việc từ xa và trong thời điểm Covid-19, chỉ có công nghệ mới giúp được họ.
Qua gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam lần này, từ doanh nghiệp nhà nước đến các tập đoàn đa ngành nghề đều đã nhận ra giá trị và vai trò của công nghệ trong quá trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp khó có thể vận hành một cách trơn tru nếu thiếu công nghệ. Chuyển đổi số chính là chuyển đổi doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng sẽ được trang bị thêm nhiều sức mạnh trong quá trình ứng dụng công nghệ.
Trong đó SAP tập trung vào ba trụ cột chính:
- Giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn trong môi trường đầy biến động: Rất nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài. Nếu doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao trong khâu vận hành, những khó khăn này cũng sẽ giảm bớt.
- Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới: Trong quá trình đổi mới, các doanh nghiệp gặp rất nhiều sức ép không chỉ trên thị trường mà còn trong ngay nội bộ như cạnh tranh về nhân sự, dự án, ngân sách. Tận dụng sức mạnh của công nghệ điện toán đám mây sẽ giúp doanh nghiệp phát triển và sáng tạo để có thể cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ.
- Rút ngắn chu kỳ phát triển: Công nghệ giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn. Nếu vòng đời phát triển của doanh nghiệp là 10 năm thì với công nghệ quá trình này rút ngắn xuống còn 5 năm chẳng hạn. Chúng tôi thấy rất nhiều bài học thành công của các doanh nghiệp Việt Nam như An Gia trong lĩnh vực Bất động sản, A An Foods trong lĩnh vực xuất khẩu gạo và Nova Commerce trong lĩnh vực bán lẻ.
Thị trường điện toán đám mây của Việt Nam đang phát triển rất nhanh, và là thị trường đủ lớn để các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này khai thác, giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng thế mạnh của công nghệ. Theo nghiên cứu của IDC, SAP hiện đang đứng số một trong lĩnh vực ứng dụng điện toán đám mây. SAP cũng mong muốn hỗ trợ và tiếp sức cho ngày càng nhiều các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số.
Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bà có lời khuyên gì dành cho họ?
Mỗi doanh nghiệp sẽ có những nhu cầu và thử thách khác nhau về mặt kinh doanh. Với những doanh nghiệp cần một nền tảng để tăng trưởng, SAP có giải pháp RISE with SAP - giải pháp ERP trên nền tảng điện toán đám mây. Ưu điểm của điện toán đám mây là triển khai nhanh, nhu cầu phần cứng thấp, do đó doanh nghiệp sẽ không tốn nhiều công sức và thời gian lắp đặt thiết bị.
Với những doanh nghiệp muốn đẩy mạnh công tác nhân sự và thu hút nhân tài, chúng tôi có giải pháp SAP SuccessFactors để số hóa và đưa các quy trình nhân sự lên mây, giúp giảm thiểu những quyết định cảm tính và nâng cao mức độ hài lòng của nhân viên. SAP cũng có những giải pháp giúp các những doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Bà nghĩ gì về mối liện hệ giữa hai từ khóa phổ biến hiện nay là “Điện toán đám mây” và “Kinh tế số”? Chúng ta cần làm gì để phát triển nền kinh tế số?
Điện toán đám mây đang thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19. Theo báo cáo mới đây của Google và Temasek, nền kinh tế số của Đông Nam Á ước tính đạt 300 tỷ USD, trong đó Việt Nam đang có sự tăng trưởng tốt nhất.
Ứng dụng điện toán đám mây giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình tăng trưởng và đưa ra những cải tiến nhanh hơn, đồng thời nâng cao trải nghiệm khách hàng – yếu tố quan trọng của nền kinh tế số. Từ đó, doanh nghiệp nắm được số liệu, hành vi của khách hàng cũng như kết quả của các chiến dịch bán hàng trong thời gian thực.
Điện toán đám mây cũng hỗ trợ rất nhiều cho công tác nhân sự. Thay vì phải mất nhiều thời gian và thủ tục thì giờ chỉ với vài cú click chuột, mọi việc được giải quyết xong. Điều này không chỉ nâng cao sự hài lòng của nhân viên mà còn giảm tải áp lực của người làm công tác nhân sự.
Theo bà, hiện những ngành đặc thù nào tại Việt Nam đang gặp khó khăn về ứng dụng công nghệ?
Vấn đề chậm chạp hoặc không mặn mà với ứng dụng công nghệ không phụ thuộc vào ngành nghề nào nhất định mà phụ thuộc vào nguồn lực của từng doanh nghiệp. Có hai vấn đề là nhân lực và năng lực. Năng lực không chỉ gói gọn trong những con người của một tổ chức mà còn là hệ sinh thái của doanh nghiệp. Nhu cầu về điện toán đám mây hiện nay thực sự rất cao, nên nếu triển khai quá nhiều dự án cùng một lúc thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự.
SAP đang giải quyết thách thức này bằng những cách sau:
- Hợp tác với các cơ sở đào tạo, các trường đại học tại Việt Nam và trong khu vực nhằm xây dựng nguồn nhân sự và hệ sinh thái trong tương lai, để sinh viên ra trường có đầy đủ kĩ năng và có thể gia nhập thị trường lao động ngay.
- Xây dựng và nâng cao năng lực của hệ sinh thái đối tác. Nếu đối tác của SAP phát triển hơn thì điều này cũng làm tăng sức mạnh cho SAP.
- Sử dụng công nghệ đám mây để rút ngắn thời gian tăng trưởng cũng như tận dụng nguồn nhân sự nước ngoài. Các chuyên gia Mỹ, châu Âu không cần thiết phải sang Việt Nam mà có thể hỗ trợ các dự án từ xa.
Những khó khăn SAP gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện và mở rộng?
Thách thức lớn nhất của SAP tại Việt Nam là làm sao để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng. Mảng điện toán đám mây của SAP Việt Nam đang tăng trưởng 50% chỉ trong một năm. Chúng tôi đang tuyển dụng thêm rất nhiều nhân sự cũng như yêu cầu sự trợ giúp từ SAP khu vực. Phong cách của SAP là làm việc theo nhóm, dù ở Việt Nam hay ở nước khác thì tất cả đều sẽ hỗ trợ nhau trong công việc. Chúng tôi đem đến những bài học kinh doanh từ thực tiễn của các nước khác để Việt Nam có thể rút ngắn thời gian mà không phải trải qua quá nhiều bài học đau thương.