Hiện nay chuyển đổi số là một phần không thể thiếu của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, cả “tái cơ cấu” và “chuyển đổi số” đều là những quy trình cần thiết nhằm thích ứng với sự thay đổi trong môi trường kinh doanh hiện tại. Việc áp dụng công nghệ thông tin và số hóa là điều cần thiết để tối ưu hóa quy trình kinh doanh mới, nâng cao khả năng tương tác với khách hàng, đồng thời tăng cường quản lý thông tin và cải thiện hiệu suất làm việc của nhân viên. Hai quá trình này tương thích và song hành, chúng ta thực hiện tái cơ cấu dựa trên số hóa để đảm bảo sự thành công và sự bền vững để doanh nghiệp khi thích ứng với hoàn cảnh khó khăn.
Tại hội thảo "Giải pháp văn phòng số - Chiến lược tái cơ cấu và xây dựng năng lực thích ứng linh hoạt" diễn ra sáng 21/7 tại Hà Nội, với 250 khách mời gồm lãnh đạo, nhà quản lý cấp C-levels các doanh nghiệp và tập đoàn lớn, các diễn giả đã thảo luận về lựa chọn tái cơ cấu phòng ban và nhân sự để đối phó với biến động kinh tế và thách thức hiện tại, cũng như giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro, tránh “bẫy” về chuyển đổi số tiềm ẩn trong quá trình này.
Ông Alexander Evchenko, CEO của 1C Việt Nam |
“Trong tám năm qua, chúng tôi đã chứng kiến tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam. Chúng tôi hiểu rõ rằng chuyển đổi kỹ thuật số là cầu nối giữa hoạt động kinh doanh hôm nay và thành công của ngày mai. Với sự tăng tốc của đầu tư kỹ thuật số tăng tốc, chúng tôi ủng hộ cách tiếp cận chiến lược, khi năng lực kỹ thuật số định hình chiến lược và các quyết định công nghệ phù hợp với mục tiêu kinh doanh”, ông Alexander Evchenko, CEO của 1C Việt Nam cho biết.
Ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc khối tư vấn Công nghệ số tại FPT Digital dẫn số liệu cho biết Việt Nam có gần 400.000 kỹ sư CNTT và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp mỗi năm. Tỷ lệ lao động CNTT/tổng lao động khoảng 1%, khá thấp so với các nước định hướng công nghệ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc hay Ấn Độ. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 2% và cùng với đó là nâng cao chất lượng kỹ thuật.
“Nền kinh tế số mang lại sự trẻ trung bền vững hơn cho tổng quan kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng đưa nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, tiến lên nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
Giai đoạn 12 tháng sắp tới được đánh giá là thời gian nhiều khó khăn và thách thức đối với các doanh nghiệp, việc đổi mới tái cơ cấu, tạo khả năng thích ứng linh hoạt là bước đi quan trọng để tăng hiệu quả trong hoạt động quản trị, tiết kiệm chi phí nhằm dồn nguồn lực để nâng cao khả năng cạnh tranh. Bằng cách tái cơ cấu doanh nghiệp và áp dụng công nghệ trong khâu quản trị, các nhà lãnh đạo sẽ tạo ra một hệ thống quản lý mới tinh gọn hơn, tối ưu hơn, mang tới nhiều cơ hội để thích nghi, tồn tại và phát triển bền vững.