Ông Nguyễn Xuân Thành trình bày tham luận. |
Chuyển đổi xanh là việc phải làm và có thể có thể là động lực tăng trưởng mới, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam nhận định khi tham luận tại phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2023, chiều 19/9.
Đặt vấn đề chuyển đổi xanh liệu có giảm tăng trưởng đi không khi mà tăng chi phí cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, ông Thành cho biết quan điểm của ông là ngược lại.
Vị chuyên gia Fulbright phân tích, xu hướng đã diễn ra là cứ 7 năm tăng trưởng nhanh thì 3 năm chịu tác động bất ổn toàn cầu khiến tăg trưởng giảm, nếu 10 năm tiếp theo vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 đến 7% thì tăng trưởng xanh là động lực mới, đằng sau đó là phát triển bền vững.
Sau hai năm đầu tăng trưởng bình quân 5,26% và nếu năm 2023 này GDP được tăng 5,5%, thì ngay cả khi GDP hai năm 2024-2025 tăng được 7% thì tốc độ bình quân 5 năm cũng chỉ là 6%, ông Thành tính toán.
Theo ông Thành, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chưa thật sự theo hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với các động lực truyền thống này mà không có chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh thì chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được.
Nhưng nếu Việt Nam thực sự chuyển đổi theo hướng đầu tư cho phát triển xanh và phát triển bền vững thì đây lại là cơ hội tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng nội sinh của nền kinh tế.
Yêu cầu tăng trưởng kinh tế với tốc độ 7%/năm trong 3 năm tới sẽ là rất thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Kịch bản này đòi hỏi ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì và các chính sách vĩ mô không bị đảo chiều theo hướng “giật cục”, ông Thành nhìn nhận.
Khuyến nghị từ vị chuyên gia này là ưu tiên đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi xanh là ưu tiên cho kế hoạch đầu tư công, cần phải đạt 7,5 - 8% GDP. Quy mô tuyệt đối của đầu tư công năm 2023 là trên 700.000 tỷ (30,1 tỷ USD). Nền kinh tế Việt Nam cần 32-35 tỷ USD/năm đầu tư công (7,5-8% GDP) trong giai đoạn 2024-2026, ông Thành nói.
Và, quan trọng nhất là số vốn đầu tư công điều chỉnh tăng thêm cần được ưu tiên cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, theo ông Thành.
Lưu ý tiếp theo được vị chuyên gia này đề cập là xét về khía cạnh phát triển bền vững, trục trặc lớn trong mô hình tiêu dùng và sản xuất của Việt Nam là thâm dụng năng lượng cao.
Từ năm 2017 đến năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng sản lượng điện trên tăng trưởng GDP của Việt Nam là 1,25-1,3. Tỷ lệ này đã giảm xuống gần 1,1 vào năm 2020 và bình quân là 1,15 vào năm hai năm có dịch Covid-19 (năm 2021-2022).
Nếu nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng 7% một năm từ năm 2024 đến năm 2030, thì sản lượng đầu người sẽ đạt 4500 kWh, bằng với mức tiêu thụ hiện nay ở Vương quốc Anh. (Trung Quốc tiêu thụ ít hơn 6.000 kWh trên đầu người, nhưng có GDP bình quân đầu người theo giá trị thị trường là gấp ba lần mức hiện tại của Việt Nam).
Ông Thành cho rằng, cần hoạch định và thực thi chính sách theo hướng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Cụ thể là hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng. Khuyến khích theo hướng ưu đãi mạnh về thuế khi áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Kiên quyết thực thi lộ trình tăng giá điện và các giá năng lượng theo hướng giá tài chính phải bao gồm đầy đủ các chi phí kinh tế - xã hội.
Khuyến nghị tiếp theo được ông Thành nêu là chuyển đổi động lực tăng trưởng về tiêu dùng và sản xuất trong nước theo hướng kinh tế tuần hoàn bằng cách khuyến khích hệ sinh thái với các dịch vụ hỗ trợ trong hoạt động tái chế ở các cụm ngành sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và bao bì; áp dụng công nghệ thông minh trong cụm ngành vận tải – logitics, cụm ngành xử lý chất thải theo hướng tạo năng lượng từ rác; phát triển cụm ngành kinh tế nước trên cơ sở định giá đúng chi phí kinh tế - xã hội của tài nguyên này.
Hoàn thiện khung pháp lý trong đầu tư và sản xuất năng lượng tái tạo, xác định rõ các lựa chọn về hình thức đầu tư nhà nước 100%, tư nhân 100% và đối tác công tư (PPP), ưu tiên đầu tư cho truyền tải, điện mặt trời áp mái trong các khu công nghiệp và ứng dụng công nghệ mới trong truyền tải, lưu trữ và phân phối bán lẻ, ông Thành khuyến nghị.