Doanh nghiệp
Chuyên gia cảnh báo đầu tư theo trào lưu ngành mới nổi có thể nhận “trái đắng”
Lê Quân - 29/08/2024 07:47
Một số chuyên gia cảnh báo, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ đầu tư theo trào lưu các ngành công nghệ mới nổi có thể nhận “trái đắng”nếu không xác định được hướng đi rõ ràng.

Vấn đề này được một số chuyên gia cảnh báo tại Hội thảo "Sự sẵn sàng của công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng các ngành công nghệ mới" nổi diễn ra ngày 28/8 tại TP.HCM.

Tại hội thảo các doanh nghiệp và chuyên gia đều nhận định rằng các ngành công nghệ mới nổi như vi mạch, bán dẫn, công nghệ cao…đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ tận dụng cơ hội để cung cấp sản phẩm cho các “đại bàng” công nghệ.

Các chuyên gia và doanh nghiệp bàn thảo về cơ hội đầu tư của ngành công nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng các ngành công nghệ mới nổi. Ảnh: Lê Quân

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội “có một không hai” để thu hút đầu tư ngành mới nổi là vi mạch, bán dẫn.

Cơ hội cho doanh nghiệp làm công nghiệp phụ trợ là rất lớn, song doanh nghiệp cần xác định mục tiêu tham gia ngành công nghiệp bán dẫn ở khâu nào, thời điểm nào vì đây là ngành khá đặc thù.

Ông Thành cảnh báo, nếu không xác định rõ hướng đi và mục tiêu mà đầu tư làm theo trào lưu nếu vài năm sau thị trường sụt giảm thì doanh nghiệp sẽ thất bại.

Dẫn câu chuyện của ngành đóng tàu cách đây hơn 10 năm cũng phát triển “nóng”, sau đó ngành vận tải biển sụt giảm, các doanh nghiệp cung cấp công nghiệp phụ trợ của ngành đóng tàu cũng thua lỗ.

“Doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ, tránh tình trạng đầu tư theo trào lưu của thế giới” ông Thành cảnh báo.

Tại Hội nghị có sự tham gia của 22 doanh nghiệp FDI đến tìm kiếm các đối tác cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Tuy vậy, số doanh nghiệp Việt đáp ứng được nhu cầu của các đối tác FDI khá khiêm tốn.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư- Baodautu.vn, ông Paul Trần, Tổng giám đốc Công ty TNHH Meggit Việt Nam - một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại biến áp và thiết bị điều khiển cho ngành hàng  không cho biết, hiện chỉ có 3 doanh nghiệp của Việt Nam trong tổng số 400 doanh nghiệp đang cung cấp sản phẩm phụ trợ cho Meggit.

Số lượng doanh nghiệp Việt Nam còn quá ít, cho dù nhiều doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của đối tác.

Theo ông Paul Trần, để trở thành nhà cung cấp sản phẩm phụ trợ cho các hãng sản xuất máy bay, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chứng minh năng lực qua việc đạt các tiêu chuẩn quốc tế.

Và đặc biệt doanh nghiệp cần lưu ý minh bạch trong kinh doanh bằng giấy trắng mực đen chứ không thể nói rằng đó là bí quyết của mình. Đối với doanh nghiệp nước ngoài khi thấy không có sự minh bạch thì rất khó để hợp tác.

“Với vai trò của mình, Meggit sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành hàng không”, ông Paul Trần khẳng định. 

Ông cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ cần nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường để có hướng đi đúng thì mới đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin liên quan
Tin khác