Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec tiếp nhận, thăm khám cho một trường hợp mắc ung thư trực tràng. Bệnh nhân là bà P.T.D. (63 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Chẩn đoán ung thư đại trực tràng đòi hỏi phải thực hiện nhiều phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng. |
Bà D. đến khám do xuất hiện triệu chứng đi ngoài ra máu và có tiền sử cắt polyp đại tràng cách đây 5 năm. Sau khi thăm khám lâm sàng, bệnh nhân được bác sỹ chỉ định thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu nhằm làm rõ tình trạng sức khỏe.
Trên hình ảnh nội soi trực tràng toàn bộ ghi nhận có khối sùi lớn chiếm gần hết chu vi lòng đại tràng, bề mặt sung huyết, chia múi, chạm vào dễ chảy máu.
Bệnh nhân được sinh thiết tổn thương qua nội soi, kết quả sinh thiết là ung thư trực tràng (Carcinoma tuyến). Ngoài ra, kết quả nội soi đại tràng ghi nhận có vài polyp kích thước 0,3-0,5cm.
Dựa trên cơ sở kết quả cận lâm sàng đã thực hiện, bác sỹ chẩn đoán bà D. mắc ung thư trực tràng và có polyp đại tràng.
Bệnh nhân được nhập viện để điều trị, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng bổ sung và chụp PET-CT toàn thân nhằm đánh giá chính xác giai đoạn bệnh và mức độ di căn. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt đoạn trực tràng kết hợp với xạ trị theo phác đồ điều trị.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), ung thư trực tràng là một phần của nhóm ung thư đại trực tràng, loại ung thư phổ biến thứ ba trên thế giới và là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai trong các bệnh ung thư.
Năm 2020, số ca mắc mới vượt 1,9 triệu và số ca tử vong hơn 930.000. Dự đoán đến năm 2040, số ca mắc mới có thể lên đến 3,2 triệu mỗi năm, với số ca tử vong dự kiến là 1,6 triệu.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Ngát, chuyên khoa Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, ung thư đại trực tràng có cơ chế bệnh sinh phức tạp, kết hợp của nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ.
Một trong những nguyên nhân chính liên quan đến chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, bao gồm việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ, mỡ động vật, ít chất xơ và thiếu hụt các vitamin thiết yếu như A, B, C, E, cùng với canxi.
Những yếu tố này được cho là làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, các tổn thương tiền ung thư như viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn và polyp đại trực tràng cũng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành bệnh.
Yếu tố di truyền cũng là một nguyên nhân đáng kể của ung thư đại trực tràng. Những người mang các hội chứng di truyền như hội chứng Lynch (ung thư đại trực tràng di truyền không polyp), bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP), hội chứng Peutz-Jeghers và Gardner có nguy cơ cao phát triển ung thư đại trực tràng.
Cũng theo bác sỹ Ngát, chẩn đoán ung thư đại trực tràng đòi hỏi phải thực hiện nhiều phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường không rõ ràng, có thể bao gồm rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, hoặc đi ngoài ra nhầy máu. Khám lâm sàng có thể phát hiện khối u qua thăm khám trực tràng hoặc sờ nắn vùng bụng khi khối u đã tiến triển.
Để chẩn đoán xác định, các phương pháp cận lâm sàng như nội soi đại trực tràng, chụp CT Scanner, cộng hưởng từ (MRI), siêu âm đóng vai trò quan trọng trong việc quan sát và đánh giá mức độ tổn thương, di căn của khối u. Các xét nghiệm sinh hóa như CEA, CA 19-9 cũng được sử dụng để theo dõi tiến triển và phát hiện sự tái phát của ung thư sau điều trị.
Việc chẩn đoán và tầm soát ung thư đại trực tràng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm, từ đó giảm thiểu chi phí điều trị và tăng cơ hội kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Bác sỹ Ngát khuyến cáo, những người từ 45 tuổi trở lên, hoặc có tổn thương tiền ung thư, tiền sử cắt polyp đại tràng, từng mắc các bệnh lý đường tiêu hóa, người thân trong gia đình mắc ung thư đại trực tràng, nên thực hiện nội soi định kỳ tầm soát ung thư sớm 1 năm/lần.