Thời sự
Chuyên gia nước ngoài nói gì về cơ hội của CPTPP trước ngày ký kết
Việt Nga - 06/03/2018 13:46
Ngày 8/3 tới, Hiệp định CPTPP dự kiến được ký kết tại Chile. Bên thềm sự kiện này, Baodautu.vn giới thiệu bài viết của ông Shiro Armstrong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia - Nhật Bản, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế châu Á thuộc Đại học Tổng hợp Australia, về những cơ hội của CPTPP.
Hội nghị Bộ trưởng TPP tổ chức tại Đà Nẵng (năm 2017). Ảnh: AFP

Chính thức trở thành Tổng thống Mỹ được vài ngày, ông Mỹ Donald Trump đã tuyên bố nước Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Động thái này gây sốc cho các nước đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đây có thể được coi là bước ngoặt trong vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Tuy nhiên, 11 nước thành viên còn lại của TPP vẫn quyết tâm với thỏa thuận mậu dịch tự do này và đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngày 8/3 tới, các nước dự kiến ký kết hiệp định này tại Chile.

Mục tiêu của các nước

Việc Mỹ - nước chiếm 60% GDP và 40% của TPP - rút khỏi TPP đã làm thay đổi tính chất của nhóm này.

TPP có ý nghĩa khác nhau với mỗi nước. Tuy nhiên, đối với hầu hết các nước, đây là cơ hội để giữ Mỹ tham dự sâu vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó cũng là cơ hội để đẩy mạnh tự do hóa và cải cách. Ngoài ra, hiệp định này còn nhằm tạo ra các tiêu chuẩn và quy định mới cho thương mại trong thế kỷ XXI - một mục tiêu hay bị lảng tránh ở cấp toàn cầu vì cơ cấu thành viên đa dạng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không thống nhất được các mục tiêu chung.

Việc ký kết CPTPP sẽ không đưa ra mục tiêu chiến lược to lớn là giữ Mỹ tham dự với khu vực. Tuy nhiên, việc này cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Donald Trump rằng, các nước trong khu vực cam kết mở cửa. Hiệp định này cũng tạo thêm xung lực thúc đẩy tự do hóa ở châu Á qua việc tạo thuận lợi cho việc mở rộng thành viên và hỗ trợ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một thỏa thuận được đàm phán giữa 10 nước ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

CPTPP có nhiều ưu việt

CPTPP có cơ hội mở rộng thành viên hơn so với TPP, vì nó loại bỏ một số điều khoản của TPP, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà xem ra có lợi cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ, song lại gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong khu vực.

Bên cạnh đó, các điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với chính quyền nước sở tại được thu hẹp, nhưng vẫn cho phép nhà đầu tư nước ngoài quyền đưa vụ việc tranh chấp với chính quyền nước sở tại ra tòa án quốc tế để giải quyết.

Thỏa thuận CPTPP cho phép các thành viên ban đầu quyền phủ quyết đối với việc xin gia nhập của thành viên mới, bởi để tham gia CPTPP, nước xin gia nhập phải được sự chấp thuận của tất cả thành viên hiện hữu. Do vậy, các nước lớn hơn như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia sẽ không dễ tham gia khối này, mặc dù đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành viên.

Với Mỹ, theo nhận định chung, nước này sẽ không tham gia CPTPP trong tương lai gần, bởi họ đang phải giải quyết nhiều vấn đề trong nước - những vấn đề phát sinh từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền.

Chú trọng thỏa thuận RCEP

Hầu hết trong số 11 thành viên của CPTPP đang tích cực tham gia đàm phán về RCEP. Thỏa thuận RCEP sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy Trung Quốc và Ấn Độ mở cửa thị trường và theo đuổi cải cách theo hướng song song với CPTPP, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới đang khá bất định do chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng trỗi dậy.

Một số thành viên RCEP thuộc nhóm những nền kinh tế lớn nhất, năng động nhất thế giới và đủ tầm quan trọng để tạo sự khác biệt trên quy mô toàn cầu. Một nghiên cứu của Hội đồng Năng suất Australia (Australian Productivity Commission) mới đây cho thấy, ngay cả khi thuế quan trên toàn cầu tăng 15 điểm phần trăm (tương tự như trong cuộc Đại suy thoái), thì kinh tế các nước RCEP vẫn tiếp tục tăng trưởng nếu các nước này xóa bỏ thuế quan nội khối.

Thời gian "nhạy cảm"

Với CPTPP, Nhật Bản là nền kinh tế lớn nhất, nên nước này đã nhận thấy vị trí lãnh đạo của mình. Nước này đang rất tích cực thúc đẩy CPTPP, chống lại những bất định mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra trong chính sách thương mại khu vực và toàn cầu, tăng cường quan hệ với các đối tác khác như Australia và Ấn Độ, đồng thời tạo nền tảng để cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Trung Quốc, châu Á và cả thế giới đã trải qua năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump mà không xảy ra chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, thời gian tới rất khó đoán định, bởi ông Donald Trump vừa tuyên bố sẽ đánh thuế 25% với thép nhập khẩu, 10% với nhôm nhập khẩu. Những hành động tương tự cũng có thể xảy ra khi thời điểm bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ (tháng 11/2018) đang đến gần.

Chính vậy, hiện tại là thời gian "nhạy cảm". Tuy nhiên, các thỏa thuận ở khu vực châu Á theo hướng thúc đẩy mở cửa và khuyến khích các nước không hành động trả đũa có thể thuyết phục ông Donald Trump không tiếp tục gây hại cho các đối tác thương mại của mình, cũng như cải thiện niềm tin vào hệ thống thương mại toàn cầu vốn đang bị lung lay.

Tin liên quan
Tin khác