Y tế - Sức khỏe
Chuyên gia y tế đầu ngành: Hà Nội cần thí điểm sớm việc cách ly F1 tại nhà
D.Ngân - 30/07/2021 18:39
Một số chuyên gia y tế cho rằng, Hà Nội cần lên phương án thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Với số ca mắc gia tăng mỗi ngày, trong đó, nhiều F0 được phát hiện qua sàng lọc trong cộng đồng, một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần lên phương án cách ly và điều trị phù hợp, trong đó có thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần lên phương án thí điểm cách ly F1 tại nhà.


Theo đại diện CDC Hà Nội, việc Hà Nội phát hiện nhiều ca dương tính qua sàng lọc những trường hợp ho, sốt trong cộng đồng và phát hiện các chuỗi lây nhiễm với số ca đang tiếp tục tăng cho thấy mầm bệnh đã có trong cộng đồng và vẫn còn những F0 lẩn khuất chưa được phát hiện.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, khi số ca mắc tăng cao, Hà Nội nên triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, với điều kiện đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Theo phân tích của PGS.TS Trần Đắc Phu, số ca mắc ở Hà Nội chưa quá nhiều, nên Thành phố cần giám sát trên diện rộng có chỉ định, không xét nghiệm tràn lan mà vẫn đảm bảo truy vết để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Song song với đó, Hà Nội cũng cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhưng không để diễn ra tình trạng tập trung đông người.

Để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất Thành phố cần thí điểm sớm việc cách ly F1 tại nhà, bởi đây là sự chủ động và phù hợp. 

“Tất cả đều phải thí điểm và hoàn thiện mô hình để khi cần dùng đến là dùng ngay, phải dành thế chủ động thì chúng ta mới chiến thắng được dịch”, ông Nhung nói.

Trả lời câu hỏi liệu Hà Nội có kiểm soát được dịch bệnh sau 15 ngày phong tỏa, theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội khả năng cao sẽ kiểm soát được tình hình sau 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16. 

Tuy vậy để đạt mục tiêu, thời điểm này, Hà Nội nên tận dụng thời gian vàng còn lại để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách. Hơn lúc nào hết, Hà Nội cần tiếp tục duy trì chiến lược này trong thời gian tới để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. 

 “Bài học từ các tỉnh, thành phố giãn cách chưa nghiêm khiến virus lây lan mạnh vẫn còn đó", ông Phu nói.

Mặt khác, đây cũng là thời điểm để Thành phố tăng cường sàng lọc, qua đó phát hiện sớm các ca bệnh còn lẩn khuất trong cộng đồng, đặc biệt là các khu dân cư chật hẹp, các khu đông dân để dập tắt sớm dịch.

Bên cạnh đó, Thành phố cần thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16 đến từng hộ gia đình, đồng thời thực hiện tốt 5K để cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

Các chuyên gia nhấn mạnh, người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết và được chính quyền cho phép. Đồng thời, các hoạt động lao động, sản xuất, giao thông cũng cần sắp xếp lại để hạn chế giao tiếp. Đặc biệt với biến chủng Delta, có thể lây lan rộng chỉ trong thời gian ngắn, do đó, người mang virus di chuyển nhiều nơi sẽ khiến dịch nhanh chóng lây lan ra diện rộng.

Song song với công tác khoanh vùng, dập gọn ổ dịch, Hà Nội vẫn cần tăng tốc trong truy vết, rà soát các trường hợp ca bệnh còn sót lại (nếu có) trong cộng đồng. Mặt khác, Thành phố cần đẩy nhanh công tác tiêm chủng cho người dân vì đánh giá khách quan, hiện mức độ bao phủ vắc-xin rất thấp.

Tiêm vắc-xin xong cũng cần thời gian mới tạo được miễn dịch. Đó là còn chưa kể chúng ta phải tiêm đủ 2 mũi. Vì vậy, mũi 1 phải tiêm nhanh, thì mới nhanh đến thời gian tiêm mũi 2. 

Được biết, theo quy định của Bộ Y tế, để cách ly F1 tại nhà đảm bảo an toàn, cần phải đáp ứng những yêu cầu sau về cơ sở vật chất:
 

* Đối với nhà làm nơi cách ly phải là nhà ở riêng lẻ, căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư.
Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "Địa điểm cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19". Đồng thời phải có thùng màu vàng có biểu tượng chất thải lây nhiễm có dán nhãn "chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" để đựng trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế thải bỏ.
Ngoài ra, nhà phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Đồng thời, Bộ Y tế cũng khuyến khích lắp camera để giám sát người cách ly.

* Đối với phòng cách ly phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn. Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.
Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải, có màu vàng, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng để đựng chất thải gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, có dán nhãn "chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".
Thùng đựng chất thải sinh hoạt phải có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh để đựng chất thải sinh hoạt khác. Không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng. Đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ, có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt.
Phòng cách ly phải được khử khuẩn hằng ngày, có đủ các thiết bị bảo hộ cần thiết. Đồng thời, bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.

Tin liên quan
Tin khác