Điểm nóng
Chuyện lạ ở Kon Tum: “Vàng trắng” bị “nhốt” thu hoạch vì đủ lý do
Nhiệt Băng - 10/05/2022 15:01
Hết bị “nhốt” thời gian thu hoạch, cây cao su tại các nông trường ở Kon Tum (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum) nay lại tiếp tục “ngả nghiêng” với các phương án chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất.
Khai thác cao su thanh lý tại một số nông trường ở Kon Tum

“Vàng trắng” bị “nhốt” thu hoạch vì đủ lý do

Năm 2008, 28 hộ dân tại thôn Kon Đrei (xã Đăk Blà, TP. Kon Tum) đã liên kết với Nông trường Cao su Thanh Trung (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum) trồng hơn 30 ha cao su.

Tháng 7/2020, toàn bộ diện tích cao su này đã đến tuổi thu hoạch, nhưng vẫn không được nông trường tổ chức khai thác. Điều này kéo theo thu nhập của người dân đã “góp” đất liên kết với nông trường bị ảnh hưởng.

Gia đình bà Y Sít (thôn Kon Đrei, xã Đăk Blà) vào năm 2008 đã liên kết với Nông trường cao su Thanh Trung trồng 1 ha cao su. Tương tự những hộ gia đình khác, gia đình bà Y Sít “hùn” đất, còn chủ nông trường đầu tư toàn bộ vốn trồng và chăm sóc cao su. Dự kiến, trong vòng 6 - 8 năm, cây cao su sẽ cho khai thác. Sau khi thu hoạch, gia đình bà Sít sẽ được chia 40% giá trị sản phẩm.

Nhưng rồi, hết năm 2020, việc khai thác cây cao su để trả lợi nhuận rơi vào tình trạng… “cao su”. Trong khi, nếu không “hợp tác” với Nông trường cao su Thanh Trung, người dân ít nhiều có thể “gặt hái” thành quả khi tự chủ canh tác trên mảnh đất ấy.

Không riêng gì người dân, mà địa phương cũng nhiều lần ý kiến đối với sự chậm trễ khai thác mủ cao su tại Nông trường cao su Thanh Trung. Qua nhiều buổi làm việc, đến năm 2021, việc khai thác và thu mua mủ cao su mới được tổ chức, chia phần trăm giá trị sản phẩm đến người dân có đất liên kết với nông trường.

Ông Trịnh Lê Văn, Chủ tịch UBND xã Đăk Blà (Kon Tum)

Được UBND xã Đăk Blà mời lên làm việc, Nông trường cao su Thanh Trung cho rằng, do giá cao su đang ở mức thấp (lúc đó là tháng 7/2020), nên đơn vị không thể đầu tư làm đường vào khu vực vườn cao su liên kết để tạo thuận lợi trong việc khai thác và vận chuyển mủ cao su cho bà con.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chiều 4/5, ông Trịnh Lê Văn, Chủ tịch UBND xã Đăk Blà cho biết: “Không riêng gì người dân, mà địa phương cũng nhiều lần ý kiến đối với sự chậm trễ khai thác mủ cao su tại Nông trường cao su Thanh Trung. Qua nhiều buổi làm việc, đến năm 2021, việc khai thác và thu mua mủ cao su mới được tổ chức, chia phần trăm giá trị sản phẩm đến người dân có đất liên kết với nông trường”.

Không chỉ tại Nông trường cao su Thanh Trung, việc liên kết trồng cao su tại Nông trường cao su Tân Hưng cũng vấp phải phản ứng của người dân. Ông A Hưng (trú thôn Plei Weh, xã Ia Chim, TP. Kon Tum) cho rằng, sau khi liên kết với Nông trường cao su Tân Hưng, cây cao su được trồng năm 2008, đến nay đã 13 năm, nhưng chưa cho khai thác, làm cho người dân không có thu nhập, gặp khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, mới đây, ông A Hưng đề nghị UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum xem xét, giải quyết.

Theo UBND tỉnh Kon Tum tại Văn bản số 101 (ngày 27/4/2022), Nông trường cao su Tân Hưng (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum) đang quản lý 255,628 ha vườn cây cao su liên kết với người dân. Vườn cây này được trồng trong các năm 2007, 2008 và 2009, đưa vào khai thác từ năm 2016 đến năm 2018.

Trong tổng số 255,628 ha, có 23,420 ha vườn cây trồng năm 2009 (diện tích xấu), nhưng qua kiểm tra, đánh giá chất lượng vườn cây, thì số cây đạt tiêu chuẩn đưa vào cạo rất thấp, không đủ điều kiện để đưa vườn cây vào khai thác.

Do đó, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã có văn bản báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về thực trạng vườn cây và chờ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết.

Chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất: Dễ hay khó?

Cho rằng trước đây dân có đất, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum có vốn cùng làm ăn chia theo tỷ lệ, ông Đặng Thanh Hữu (trú tại thôn 5, xã Hòa Bình, TP. Kon Tum) đã đề nghị UBND tỉnh Kon Tum quan tâm, làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để tiếp tục thực hiện mô hình nhận khoán cho các hộ dân như trước đây, giúp nhân dân an tâm sản xuất.

Tại Văn bản số 101 (ngày 27/4/2022), UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum làm việc với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, để đưa ra kết quả trả lời.

Tại văn bản này, UBND tỉnh chỉ đạo: “Mô hình giao nhận khoán được Công ty triển khai từ năm 1996 với phương châm “đưa người dân vào làm cao su”, phát triển cao su gắn liền với giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại chỗ. Nguồn gốc đất đưa vào trồng cao su là rừng tái sinh xen lẫn với đất rẫy của người dân.

Với diện tích đất người dân canh tác, Công ty TNHH một thành viên Cao su Kon Tum chi trả tiền hỗ trợ/bồi thường cây cối hoa màu và công khai phá cho người dân, thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý để UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum. Sau khi trồng mới xong cây cao su, Công ty giao lại cho người dân địa phương tại chỗ có nhu cầu vào nhận khoán ổn định theo phương án khoán của Công ty (thông qua hợp đồng giao nhận khoán chăm sóc vườn cây và thu hoạch mủ cao su). Hợp đồng giao nhận khoán được xây dựng với một chu kỳ kinh tế của cây cao su, được quy định khá rõ ràng tại khoản 2, Điều 10, của Hợp đồng”.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Kon Tum còn đề xuất ý kiến, phương án khoán và Hợp đồng giao nhận khoán đến nay đã không còn phù hợp với Luật Lao động hiện hành và các quy định của Nhà nước có liên quan.

Theo đề nghị của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tại Công văn số 275/HĐQTCSVN - KHĐT (ngày 10/5/2021) về việc ban hành văn bản chính thức thống nhất về chủ trương chuyển đổi mô hình liên kết - khoán và mô hình khoán vườn cây cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, tại Văn bản số 4367/UBND - NNTN (ngày 9/12/2021), UBND tỉnh Kon Tum đã cơ bản thống nhất về mặt chủ trương để tổ chức thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum trong thời gian tới.

Cụ thể là chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất từ “Giao, nhận khoán” vườn cây cao su cho hộ gia đình sang mô hình “Hợp đồng lao động” làm công nhân để tổ chức sản xuất theo Kế hoạch triển khai, lộ trình về thời gian, diện tích và địa điểm cụ thể đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thống nhất chủ trương.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum ưu tiên tuyển dụng lao động đang nhận khoán trước đây vào làm công nhân nếu có nguyện vọng và đáp ứng được yêu cầu.

Nhưng trước khi thực hiện chuyển đổi, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn, bất cập giữa Công ty và hộ nhận khoán; đồng thời tổ chức chuyển đổi mô hình ở những nơi thuận lợi trước, khó khăn sau và quá trình thực hiện không để xảy ra các điểm nóng gây mất an ninh, trật tự xã hội.

Việc chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất từ “liên kết - khoán” vườn cây cao su sang các phương án đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thống nhất chủ trương trong các trường hợp cụ thể.

Thứ nhất, trường hợp các hộ liên kết đảm bảo hoàn trả chi phí giá trị vườn cây còn lại: “Thanh lý sớm hợp đồng, thu hồi giá trị vườn cây còn lại và trả lại đất cho hộ liên kết theo lộ trình về thời gian đối với từng diện tích và địa điểm và chất lượng từng vườn cây cụ thể”.

Thứ hai, trường hợp các hộ liên kết không đảm bảo hoàn trả chi phí giá trị vườn cây còn lại: “Thực hiện phương án khai thác hết chu kỳ, thanh lý vườn cây theo lộ trình về thời gian đối với từng diện tích, địa điểm và chế độ khai thác cụ thể”.

“Hiện nay, Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum đang triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung phương án chuyển đổi các mô hình tổ chức sản xuất của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 4367/UBND - NNTN ngày 9/12/2021”, UBND tỉnh Kon Tum cho hay.

Tin liên quan
Tin khác