Đèn lồng sang Mỹ, áo quần đi châu Âu
Giữa bộn bề nguyên liệu để chế tác ra những chiếc đèn lồng đa sắc màu, ông Phạm Văn Hà ở phường Cẩm Châu, chủ cơ sở đèn lồng Hà Linh đang tất bật cho chuyến xuất 300 đèn lồng vào TP.HCM.
“Khách hàng từ Hà Nội gọi đặt hàng, nhưng tôi không làm kịp nên từ chối. Vậy mà họ cứ chuyển tiền vào tài khoản bắt làm cho bằng được. Nhân công ít, đơn hàng tới tấp, sợ bể hợp đồng”, ông Hà lo lắng.
Đô thị Hội An cổ kính, trầm mặc nhưng luôn ẩn chứa dòng chảy thương mại mạnh mẽ |
Thời buổi Internet kết nối toàn cầu và điện thoại thông minh, khách hàng chỉ cần lên mạng xem mẫu hàng, thấy thích là gọi đặt, đã đưa đến cho cơ sở của ông Hà và các cơ sở khác nhiều hợp đồng không chỉ trong nước, mà còn sang nước ngoài.
Gần 20 năm kinh nghiệm làm đèn lồng, từ chỗ sản xuất thủ công, mỗi ngày chỉ làm vài ba chiếc, nay thì một ngày cơ sở của ông Hà làm cả trăm chiếc, sử dụng nhiều máy móc trợ giúp. “Trước kia làm đèn chưa xếp lại được, khách nước ngoài bê nguyên cả chiếc đèn về nước rất cồng kềnh, mà nếu không cẩn thận thì bị bẹp. Nay nhờ cải tiến kỹ thuật, đèn được xếp lại, đem về nước xòe ra sử dụng, nên khách hàng càng ưa chuộng. Có năm, cơ sở của tôi xuất qua thị trường Mỹ tới 80.000 chiếc đèn lồng”, ông Hà cho biết.
Bên cạnh đèn lồng là sản phẩm truyền thống, may mặc cũng là một trong những mặt hàng của Hội An được khách quốc tế biết đến. Anh Võ Thiên Vương, phụ trách kinh doanh chi nhánh shop quần áo may sẵn Bebe 1 cho biết, Hội An đã nổi tiếng về may mặc từ hơn hai chục năm nay, nhưng chủ yếu vẫn là du khách rỉ tai nhau. Bây giờ thì tiếp thị sản phẩm, mẫu sản phẩm đã có Internet, lượng người biết đến sản phẩm may mặc của Hội An tăng theo cấp số nhân.
. |
Bebe quảng bá trên 3 kênh online, trong nhóm đánh giá, thương hiệu Bebe luôn ở top đầu, nên du khách tìm đến nhiều hơn. Trong các đơn hàng xuất ra hàng tháng, 80% là bán ngay tại chỗ, còn lại 20% đơn hàng sỉ xuất ra nước ngoài. Một số đối tác nước ngoài đã đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội làm ăn với Bebe. Bà Lysa, đến từ Vương quốc Anh, sau khi xem các mẫu quần áo của Bebe, tỏ ra rất hào hứng: “Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ về khả năng hợp tác với Bebe để đưa hàng của Hội An đến nước Anh và ra thế giới”.
Chủ một cửa hàng lưu niệm trên đường Trần Phú, chị Nguyễn Lan Hương ví von: “Hội An không còn là “khối vàng bí ẩn” nữa, mà là viên kim cương tuyệt mỹ. Tiếp xúc nhiều với khách nước ngoài, người Hội An đã học được cách thức kinh doanh chuyên nghiệp”.
Còn ông Lê Huy Khang, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Gia Hội An, chia sẻ: “Hội An là đô thị du lịch, sống chủ yếu bằng các dịch vụ, chính dịch vụ đã giúp Hội An trở nên giàu có, phát triển và tạo ra văn hóa của Hội An. Bởi thế, việc quảng bá Hội An một cách sâu rộng đến với thế giới là rất quan trọng. Công nghệ 4.0 đã và đang góp phần tích cực vào việc quảng bá Hội An, đem dịch vụ, du lịch Hội An gần hơn với du khách quốc tế”.
Mời khách Tây đến ở nhà mình
Hơn 10 năm trước, khi các địa phương khác, ngay cả Đà Nẵng - đô thị trung tâm du lịch của miền Trung vẫn còn khá xa lạ với khái niệm “villadom”, hiểu nôm na là dùng diện tích không sử dụng trong biệt thự cho khách du lịch thuê, thì ở Hội An đã hình thành phân khúc này.
Loại hình lưu trú phát triển mới gần đây của Hội An: Villa và Homestay |
Bên cạnh những dãy phố với hàng trăm ngôi nhà có tuổi đời vài trăm năm, những con hẻm sâu hút loang lổ, rêu phong. Nhịp cầu cong và những con đường nhỏ trầm mặc, tạo nên một Hội An cổ kính, thì còn một Hội An mới mẻ với villa đủ kiểu dáng, đa phong cách mọc lên ngày càng nhiều.
Khởi đầu cho phong trào biệt thự có thể kể đến ông Đinh Văn Lời, một nghệ nhân đồ gỗ ở Hội An. Biệt thự Vạn Lợi của ông nay đã trở thành khách sạn Vạn Lợi, tọa lạc bên kia cầu Cẩm Nam (xã Cẩm Nam), thu hút rất đông du khách tây. Nhiều người ghé Cẩm Nam không chỉ là để ăn bánh đập - đặc sản xứ này, mà còn để ngắm biệt thự Vạn Lợi.
Người Hội An vốn thức thời, sớm nhận ra “gu” của khách tây là thích lưu trú trong biệt thự - nhà vườn, trông cổ kính mà sang trọng, lại gần gũi với thiên nhiên, nên đã đầu tư vào phân khúc này. Được biết, ở Hội An có hàng trăm biệt thự dùng để kinh doanh như của ông Lời. Một số là biệt thự thời Pháp đã được sửa sang lại, vẫn giữ lối kiến trúc xưa, rất hấp dẫn du khách tìm đến.
. |
Từ villadom, người Hội An bắt đầu làm homestay. Dịch vụ này cũng nhận được sự chào đón rất nhiệt tình của du khách thập phương.
Ông Phạm A, chủ nhà trọ Minh A (số 2, Nguyễn Thái Học) cho biết, căn nhà khoảng 100 m2 của ông đã hơn 100 tuổi. Khi con cái đã có gia đình riêng, ông sắp xếp lại không gian sinh hoạt, dành được 4 phòng, mỗi phòng có hai giường, công suất khai thác phòng vào những mùa du lịch rất tốt, giá phòng từ 10 - 15 USD/đêm.
Ông bà Smith và Nick, du khách Australia cho biết: “Ở đây thật tuyệt vời, như là chính ngôi nhà của tôi hay người thân của tôi vậy. Buổi sáng, chúng tôi dùng điểm tâm với gia đình, tán gẫu lúc rảnh rỗi, cùng đi chợ nấu bữa trưa, đi dã ngoại, câu cá ở vùng ngoại ô, cùng tắm biển vào buổi chiều...”.
Ban đầu Smith và Nick chỉ định ở Hội An 2 ngày, nhưng thích quá nên lưu lại hơn 1 tuần. “Chúng tôi đã email về giới thiệu với bạn bè loại hình du lịch mới mẻ này. Những người bạn đã lên kế hoạch để đến Hội An”.
Có lẽ, không ở đâu như Hội An lại đa dạng loại hình dịch vụ du lịch và cư dân nơi đây lại biết cách khai thác tốt đến thế. Villadom, homestay, rồi nhà vườn ven sông kết hợp giữa du lịch sinh thái với dịch vụ homestay. Gần gũi, thân thiện, dung dị và mộc mạc với những sản phẩm du lịch đặc trưng, nên mỗi du khách khi rời Hội An, đều có cảm giác lưu luyến, bâng khuâng về một miền quê yên bình của Việt Nam.
“Cảm giác lưu luyến khi chia tay với những gì bạn vừa kịp quen thuộc, chia tay với những người thân trong gia đình mà bạn đã có những phút giây chia sẻ niềm vui, tâm sự cùng nhau. Đấy chính là điểm thú vị ở homestay. Nó khiến bạn không phải là một người khách trọ, mà là một người thân, là cách mà bạn trải nghiệm cuộc sống, suy nghĩ, văn hóa ứng xử, sinh hoạt của người dân Hội An một cách rõ rệt, tận tường nhất”, vợ chồng ông bà Micheal Ensed, quốc tịch Singapore đã dành những lời nhận xét chân tình khi nói về người Hội An.