Doanh nghiệp
Giao thông trên đầu sóng 4.0
Anh Minh - 17/02/2018 09:11
Từ chiếc đầu máy hơi nước đầu tiên được chế tạo ở Anh vào đầu thế kỷ XIX đến những chiếc Boeing 787 Dreamliner, ngành giao thông luôn đứng trên ngọn sóng, vừa là đích đến, vừa là động lực của các cuộc cách mạng công nghiệp.

Từ Nhà ga hành khách T4 Changi…

Hơn 20 phóng viên Việt Nam là những phóng viên quốc tế đầu tiên đến “xông đất” Nhà ga hành khách T4 Changi cuối tháng 7/2017 - trước thời điểm khai trương công trình được đánh giá là hiện đại, xanh, thân thiện và là niềm tự hào mới của Tập đoàn Cảng hàng không Changi (Singapore).

Do Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là một trong 9 hãng hàng không hoạt động tại Nhà ga T4, nên hành khách Việt Nam không chỉ có cơ hội cảm nhận rất rõ về một công trình vị nghệ thuật, mà còn có thể trải nghiệm những dấu ấn rõ nét của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực khai thác cảng hàng không.

Những chiếc “siêu máy tính bay” là dấu ấn rõ nét của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực giao thông - vận tải

Cần phải nói thêm rằng, nếu Samsung có niềm tự hào về chiếc smartphone S8 plus, thì Nhà ga T4 có thể coi là đã “khai phóng” chuẩn mực mới về một nhà ga hành khách thông minh, thân thiện. Theo thiết kế, Nhà ga T4 có diện tích sàn 225.000 m2, gồm nhà ga 2 tầng, bãi đậu xe với chi phí xây dựng là 985 triệu đô la Singapore (tương đương 700 triệu USD). Mặc dù quy mô bằng nửa T3, nhưng nhờ kiến trúc độc đáo, tối ưu hóa công năng, nên T4 vẫn có thể đón 16 triệu lượt khách/năm, gấp khoảng 2 lần nhà ga T2 Nội Bài.

Chuẩn mực mới mà T4 đem lại bắt đầu từ việc chủ cảng áp dụng công nghệ quét nhận diện khuôn mặt, bán vé và kiểm tra hành lý tự động kết hợp với hệ thống an ninh thông minh có thể rà soát các túi có chứa máy tính xách tay - tất cả nhằm tạo cho hành khách một hành trình liền mạch từ quầy làm thủ tục đến thẳng ca-bin trên máy bay, giúp “tạm biệt” những rắc rối, lằng nhằng với đồ đạc và thời gian chờ đợi hàng giờ…

Sự ra mắt của Nhà ga T4 thể hiện xu hướng mới của các sân bay trên thế giới, đó là tự động và tự phục vụ. Trang AviationPros cho biết, trên toàn cầu, suốt năm 2016, phần lớn các nhà khai thác sân bay đều đưa vấn đề cải thiện quá trình làm thủ tục cho hành khách lên ưu tiên hàng đầu về chi tiêu cho công nghệ của sân bay. Trong đó, 2/3 số sân bay trên thế giới có kế hoạch phát triển công nghệ thông tin để hành khách có thể tự phục vụ. Trong vòng 3 năm tới, 34% sân bay trên toàn hành tinh sẽ đầu tư mạnh vào công nghệ số như hệ thống đồ họa tương tác và gần một nửa số phi trường quốc tế sẽ thực hiện các dự án quy mô lớn về cảm ứng như đèn hiệu tự động, cảm ứng qua công nghệ bluetooth.

Ngành giao thông - vận tải Việt Nam đang nằm trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đi dọc T4, có thể nhận thấy gần như toàn bộ các địa điểm, từ cổng đến khu vực an ninh và quầy xuất nhập cảnh, đều vắng bóng nhân viên. Nhà chức trách Sân bay Changi hy vọng, việc tự động hóa sẽ giúp Sân bay tiết kiệm 20% nhân lực, đồng thời mang lại gợi ý về một cảng hàng không không thâm dụng diện tích và nhân lực cho các nhà khai thác cảng hàng không khắp thế giới.

“Với hành khách, chúng tôi muốn tạo sự vui thích cho họ với những tính năng ấn tượng và thể hiện nền văn hóa bản địa”, bà Poh Li San, Phó chủ tịch Tập đoàn Cảng hàng không Changi cho biết.

… đến chiếc Dreamliner, A350-900

Thực tế, không cần phải sang tận nước bạn để trải nghiệm Cách mạng công nghiệp 4.0, mà ngay tại Việt Nam, dấu ấn của làn sóng công nghệ mới thể hiện rõ nhất qua 2 đội máy bay Boeing787 Dreamliner và Airbus A350 do Vietnam Airlines đang khai thác.

“Chiếc máy bay Boeing 787 hay Airbus A350 thực chất là siêu máy tính bay”, người đứng đầu Tập đoàn công nghệ FPT, ông Trương Gia Bình đã nói về Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực giao thông bằng một ví dụ rất cụ thể như vậy.

Khi chiếc Boeing 787 đang bay, tất cả linh kiện trên Boeing đều phản ánh trạng thái xuống mặt đất để có thể biết lúc nào nó hỏng. “Ngay khi máy bay đang bay, dưới mặt đất, chúng ta có thể in 3D linh kiện thay thế. Điều này có nghĩa, các kho linh kiện sẽ dần bị xóa sổ, không còn cảnh chuyển linh kiện từ kho này sang kho khác. Như vậy, thế giới của chúng ta sẽ là một thế giới đồng nhất giữa thực và ảo. Việc số hóa toàn bộ thế giới vật lý mà chúng ta đang sống sẽ dẫn đến sự siêu kết nối”, ông Bình nói.

Cần phải nói thêm rằng, dự báo của ông Chủ tịch FPT không quá xa so với những gì mà Vietnam Airlines đang vận hành đội bay. Ông Tô Đình Dũng, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng (Vietnam Airlines) cho biết, thời gian qua, Vietnam Airlines đã sử dụng chương trình theo dõi trạng thái động cơ từ xa để tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng, đảm bảo cho những “cỗ máy tính biết bay” này luôn vận hành an toàn tuyệt đối.

“Thông qua hàng vạn thiết bị cảm ứng kết nối với hệ thống máy tính trên máy bay, tình trạng “sức khỏe” của máy bay được theo dõi và truyền về mặt đất. Nhân viên kỹ thuật sẽ nhận được các cảnh báo sớm để lên kế hoạch sửa chữa và phụ tùng vật tư cần thiết trước khi máy bay hạ cánh”, ông Dũng tiết lộ.

Một cơ trưởng kỳ cựu của Vietnam Airlines cho biết, chiếc Boeing 787 Dreamliner mà Vietnam Airlines đang khai thác hiện đại đến mức “nhiều lúc có cảm giác máy bay đang lái mình, chứ không phải là mình đang lái máy bay nữa”.

Nói thêm về Cách mạng công nghiệp 4.0, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình khẳng định, mỗi người đều đang bị tác động bởi cuộc cách mạng có yếu tố cốt lõi là “trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nốt và dữ liệu lớn” này.

“Trước kia, chúng ta là khách hàng dễ dãi. Muốn đi đâu gọi taxi, 10 phút sau có xe đã thấy mừng. Nhưng bây giờ, đợi 3 phút chưa có là khó chịu. Vài năm tới, nhiều người trên thế giới sẽ không ăn cái gì mà không biết nó gieo trồng vào ngày nào, ai chăm sóc, ai nấu nướng. Đến năm 2025, dự báo 10% người dân sẽ mặc những cái áo kết nối Internet và có thể chăm sóc sức khỏe cho cá nhân”, ông Bình tiếp lời.

Phía Cục Hàng không Việt Nam, Phó cục trưởng Đào Văn Chương cho biết, hiện các tàu bay đều được trang bị chế độ lái tự động cũng như hệ thống cảnh báo va chạm tự động. Các trung tâm kiểm soát đường dài, tiếp cận của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng có hệ thống tự động quản lý không lưu, hệ thống tích hợp xử lý kế hoạch và dữ liệu bay… Với các hãng hàng không, đó là hệ thống đặt vé giữ chỗ toàn cầu, hệ thống làm thủ tục hành khách, thông tin hành khách…

Để không bị xô ngã

Theo ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông - Vận tải), ngành giao thông - vận tải của Việt Nam đang nằm trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0. "Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, dự báo đến năm 2025, sẽ có 21 điểm bùng nổ là những biến đổi công nghệ cụ thể có thể định hình thế giới kỹ thuật số và siêu kết nối", ông Hà cho biết.

Trong đó, có thể kể đến những thay đổi mạnh mẽ liên quan đến ngành, như 84,1% khả năng có thể xảy ra là chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; 79% khả năng có thể xảy ra là có 10% tổng lượng xe hơi lưu thông trên toàn cầu là xe không người lái; 67% khả năng có thể xảy ra là các chuyến đi du lịch/công tác trên toàn cầu thực hiện thông qua việc chia sẻ phương tiện nhiều hơn so với dùng xe riêng; công nghệ vật liệu mới tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong xây dựng và kiến trúc như bê tông tự khôi phục, vật liệu nano, pin năng lượng mặt trời, vật liệu xanh…

"Gần nhất, mô hình Uber, Grab đã cho thấy, kết nối vạn vật đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực vận tải đường bộ tại Việt Nam", ông Hà khẳng định. Chỉ vài năm trước đây, người dân Việt Nam khó ai tin được chỉ bằng phần mềm kết nối vận tải điện tử như Grab lại phục vụ được con người, thay vì phải “vẫy” taxi.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Khoa học - công nghệ (Bộ Giao thông - Vận tải) cũng nhìn nhận thực tế là, do hạn chế về nguồn lực và chưa có mô hình tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin, nên các ứng dụng mới được phát triển trong phạm vi hẹp, chỉ đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ đơn lẻ, chứ chưa hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ ở phạm vi toàn ngành.

Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cũng nhìn nhận, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến đến với Việt Nam hằng ngày, hằng giờ, bởi đây là xu thế kết nối của toàn cầu, Việt Nam không thể đứng im, mà "nếu có đứng im thì cũng sẽ bị xô ngã".

"Chúng ta không thể đứng một chỗ. Ra biển mà không biết ‘nhảy sóng’ thì sẽ bị xô ngã. Giao thông là phần vô cùng quan trọng của cuộc cách mạng trong nền kinh tế, nên phải di chuyển, không thể đứng im", Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác