Chạy đua phát triển trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) cùng với Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) là những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, trí tuệ nhân tạo có thể được định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh. Trí tuệ nhân tạo có thể xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người.
Nhờ có “trí tuệ”, robot ngày càng khéo léo. Ảnh: Tech Entice |
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang cho thấy xu thế rõ ràng rằng, dù là việc chân tay hay trí óc, rất nhiều nghề nghiệp sẽ bị thay thế dần bởi công nghệ mới.
Các chuyên gia nhận định, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là sự phát triển công nghệ thuần túy trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, mà sẽ là làn sóng của các giải pháp đột phá về công nghệ trong nhiều lĩnh vực, như công nghệ sinh học, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ vật liệu, tính toán lượng tử và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Lấy ví dụ công nghệ gene hay vật liệu mới đều được thí nghiệm trên máy tính, đưa những dữ liệu thật lên không gian tính toán rồi đưa vào thực tiễn, tức là ứng dụng sức mạnh trí tuệ nhân tạo.
Nhiều tập đoàn công nghệ có kế hoạch tạo ra những trí tuệ nhân tạo nhằm giúp giải quyết nhiều vấn đề mà con người chưa giải quyết được. Phát triển và quản lý các sản phẩm trí tuệ nhân tạo đúng cách - loại sản phẩm đỉnh cao của con người - chính là phát triển nhân tố định hình một thế giới mới, thúc đẩy nhân loại phát triển. Nếu trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, tự động hóa đã khiến nhiều việc tay chân bị thay thế bởi máy móc, thì nay, nó đạt được tầm cao mới khi kết hợp với các tiến bộ của trí tuệ nhân tạo.
Lợi ích từ trí tuệ nhân tạo khiến các công ty đầu tư hàng tỷ USD vào ngành này. Ở tầm quốc gia, trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo, có lẽ, không có quốc gia nào quan tâm đầu tư và đạt bước tiến lớn như Trung Quốc. Câu chuyện phát triển ngành trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc là bài học cho nhiều nước đang phát triển học tập. Nhìn ở cấp độ quốc gia, nền kinh tế số 2 thế giới này đang có sự đầu tư đúng hướng khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra một lộ trình để xây dựng và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo trong tất cả các lĩnh vực, hướng tới mục tiêu trở thành nước dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.
Năm 2017 là cột mốc đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc trên nhiều phương diện, trong đó có phương thức thanh toán bằng điện thoại di động. Hiện có tới 50% số điện thoại di động ở nước này có sử dụng ứng dụng thanh toán.
Dù bước vào cuộc chơi trí thông minh nhân tạo muộn hơn những gã khổng lồ như Google, Apple, Facebook, Amazon, nhưng Trung Quốc lại trở thành người thắng cuộc trên toàn thế giới nhờ các khoản đầu tư khổng lồ của Chính phủ và rất nhiều công ty khởi nghiệp đã ra đời với mục tiêu phát triển trí tuệ nhân tạo riêng của Trung Quốc.
Trí tuệ nhân tạo biến điều không tưởng thành hiện thực
Câu chuyện thành công ở khắp thế giới cho thấy, trí tuệ nhân tạo đang đi vào cuộc sống của mỗi quốc gia, mỗi con người. Trí tuệ nhân tạo đang biến những điều không tưởng thành hiện thực. Tỷ phú công nghệ Elon Musk cho rằng, robot với trí tuệ nhân tạo ngày càng siêu việt sẽ giúp con người chinh phụ những hành tinh xa xôi như sao Hỏa. “Trong vòng 20 năm tới, nhờ trí tuệ nhân tạo, tất cả xe hơi đều sẽ được tự động hóa và đến lúc đấy, sẽ thật bất thường khi bạn thấy một chiếc xe có vô lăng chạy trên đường”, ông Elon Musk nói.
Mới đây, một robot đã trở thành một sinh viên đại học khi nó hoàn thành một môn học ở cấp độ đại học tại một trường đại học tại Mỹ.
Trong lĩnh vực y học, trí tuệ nhân tạo giúp cứu sống hàng ngàn người nhờ những thao tác chính xác tuyệt đối của các robot. Trong cuộc sống hàng ngày, những robot “tình yêu” đã đáng yêu, có “hồn”, “sống động” hơn nhờ trí tuệ nhân tạo. Nơi công sở, những con robot tưởng vô tri vô giác thậm chí còn là cứu cánh cho chị em khi “bộ não” của nó có thể phân biệt và ngăn quấy rối tình dục.
Tại Nhật Bản, viễn cảnh con người bị thay thế bằng máy móc đã thành hiện thực khi Công ty bảo hiểm nhân thọ Fukoku Mutual đã thay 34 nhân viên của mình bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng tính toán tiền trả bảo hiểm thông qua chương trình trí tuệ nhân tạo Watson Explorer của IBM, có thể đọc hàng chục ngàn trang giấy chứng nhận y khoa, lịch sử y khoa và bất kỳ quy định phẫu thuật nào trước khi tính toán khoản tiền bảo hiểm phải chi trả.
Cũng tại Nhật Bản, robot có thể đảm nhận gần như mọi công việc, từ sáng tạo đến tính chất cá nhân, thậm chí những vị trí tưởng như là đặc quyền của con người. Có chuyện tưởng như đùa đã thành sự thật, đó là việc robot có thể chủ trì tang lễ. Thậm chí, người ta còn thay thế trẻ em bằng robot với mục đích mang lại cảm xúc kết nối giữa người mẹ và con cái. Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, nghệ thuật, nhiều loại robot với trí tuệ nhân tạo có thể đi cổ vũ bóng chày, soạn nhạc hay viết tiểu thuyết...
Báo cáo “Viễn cảnh kinh tế số” do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố trong tháng 10/2017 cho thấy rõ những lợi ích tiềm năng khi trí tuệ nhân tạo bắt đầu thâm nhập nền kinh tế và xã hội của con người. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và robot công nghiệp sẽ tạo thêm nhiều cơ hội mới để tăng thu nhập, tạo ra nhiều loại hình việc làm và kinh doanh mới.
Theo OECD, năng suất của nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất đến dịch vụ, đều sẽ được cải thiện nhờ tự động hóa các hoạt động do con người thực hiện trước đây. Trong số các nước thuộc OECD, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Đức là những nước có tỷ lệ “robot hóa” cao nhất và chiếm gần 70% tổng số robot đang hoạt động. Tính theo ngành, ngành thiết bị vận tải đứng đầu, với gần 45% tổng số robot được sử dụng, tiếp theo là thiết bị điện tử - điện - quang học, với gần 30%.
Các ngành công nghệ cao, viễn thông và tài chính đang ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo. Thương mại điện tử đang trở thành ngành hưởng lợi nhiều nhất từ trí tuệ nhân tạo. Theo số liệu thống kê, tổng các giao dịch mua bán trực tuyến đối với các sản phẩm như trang phục, giày dép và túi xách trong năm 2015 đạt giá trị tới 51,5 tỷ USD và tiếp tục tăng theo cấp số nhân trong năm 2016 và 2017. Đằng sau những con số ấn tượng này là sự đóng góp của trí tuệ nhân tạo.
Với những sáng tạo mang tính đột phá, trí tuệ nhân tạo đang len lỏi vào từng ngõ ngách của thương mại điện tử, giúp hoạt động mua bán hàng hóa của con người trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Giờ đây, thay vì phải xếp hàng nhiều giờ trong các khu trung tâm thương mại hay các khu chợ, người tiêu dùng có thể chọn mua sản phẩm mà mình mong muốn một cách thông minh và tiện lợi hơn ngay tại nhà với chỉ một cú “click” chuột.
Ưu điểm của việc dùng trí tuệ nhân tạo là mọi thứ đều hoạt động bằng máy tính và kết quả có nhanh, chứ không cần dựa trên yếu tố con người. Việc làm này sẽ giúp mua bán hàng hóa trực tuyến trở nên dễ dàng hơn, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa thế giới “thực” và thế giới “ảo”. Thành công của “ông lớn” Amazon với mô hình siêu thị “Amazon Go” không cần bất kỳ nhân viên thu ngân nào là một minh chứng rõ nét nhất.
Mặt trái của trí tuệ nhân tạo
Những thành tựu to lớn của con người về trí tuệ nhân tạo giúp định hình thế giới theo hướng tốt đẹp hơn. Vậy còn mặt trái của trí tuệ nhân tạo là gì? Liệu máy móc có thay thế hoàn toàn con người?
Các chuyên gia nhận định, 60% các bạn trẻ đang học các nghề mà 20 năm tới sẽ không tồn tại. Tỷ lệ phân chia giàu nghèo giữa các nước sẽ rõ rệt hơn, tội phạm công nghệ gia tăng, đặc biệt là chiến tranh sử dụng công nghệ cao…
Theo tỷ phú E.Musk, trí tuệ nhân tạo là mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội con người, nên công nghệ này cần được kiểm soát trước khi quá muộn.
Giáo sư Stephen Hawking cũng đưa ra cảnh báo, khi đạt tới mức độ nào đó, trí tuệ nhân tạo có thể đứng sau những vũ khí tự động có sức mạnh hủy diệt lớn và trở thành công cụ để một số ít người đàn áp số đông. Điều này đang dần trở thành sự thực khi nhiều quốc gia đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực tình báo, quân sự và nghiên cứu robot chiến trường.
Trí tuệ nhân tạo có khả năng đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển toàn cầu, song cũng đặt ra một loạt thách thức phức tạp, trong đó có những vấn đề về đạo đức, nhân quyền và rủi ro an ninh. Trí tuệ nhân tạo là một trong những sản phẩm phi thường của nhân loại, nhưng cũng là “con dao hai lưỡi”, đúng như CEO M.Zuckerberg, ông chủ của Faebook nói: “Người ta nói rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ làm hại con người trong tương lai, nhưng tôi lại nghĩ, công nghệ có thể được áp dụng vào cả hai hướng tốt và xấu”.