Thưa ông, gần đây dư luận rất quan tâm tới số liệu thống kê kinh tế - xã hội. Có ý kiến cho rằng, số liệu thống kê chưa bảo đảm độ tin cậy. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Thông tin thống kê là một trong những căn cứ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành vi mô và vĩ mô. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của thông tin thống kê, nên hoạt động thống kê của hệ thống thống kê nhà nước luôn hướng tới mục tiêu bảo đảm tốt nhất về chất lượng và số lượng thông tin thống kê cung cấp tới người sử dụng.
| ||
Ông Nguyễn Bích Lâm, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê |
Trong nhiều năm qua, ngành thống kê đã từng bước kiện toàn tổ chức thống kê, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin thu thập từ các kênh.
Hiện có 3 kênh thu thập thông tin thống kê chủ yếu gồm, chế độ báo cáo thống kê, điều tra thống kê và đăng ký hồ sơ hành chính.
Trong đó, 2 kênh đầu là nguồn thu thập chính với nhiều thông tin phục vụ tính toán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Thông tin thống kê hiện nay được thu thập, tổng hợp và tính toán trên cơ sở khoa học, bảo đảm thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, độ tin cậy và chất lượng của thông tin thống kê phụ thuộc rất nhiều vào tính xác thực của thông tin do doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, hộ gia đình, đơn vị hành chính sự nghiệp cung cấp cho cơ quan thống kê, phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và trình độ cán bộ thống kê.
Để từng bước nâng cao chất lượng thống kê, ngành thống kê đang triển khai Chiến lược Phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn 2030.
Có hiện tượng diễn ra trong nhiều năm qua là phần lớn địa phương báo cáo GRDP rất cao, song GDP của cả nước lại thấp hơn rất nhiều. Ông cắt nghĩa vấn đề này như thế nào?
GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô với phương pháp luận phù hợp cho việc tính toán đối với toàn nền kinh tế. Vì vậy, phần lớn các nước chỉ tính GDP cho phạm vi quốc gia, có một số nước cũng tính GRDP cho phạm vi cấp tỉnh giống Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…
Về khái niệm, nội dung, phương pháp tính và nguồn thông tin đầu vào để tính GDP của cả nước và GRDP của các địa phương đều thống nhất theo quy định của Hệ thống Tài khoản quốc gia 1993.
Tuy nhiên, hiện có sự chênh lệch giữa số liệu cả nước và số liệu của các địa phương khi tổng hợp lên, chủ yếu do nguồn thông tin tính GRDP của các địa phương còn bất cập; việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của một số địa phương hàng năm còn do áp lực hoàn thành các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh và Nghị quyết HĐND, UBND cùng cấp đã đề ra; và vẫn còn trình trạng chấp hành chưa nghiêm về quy trình sản xuất số liệu thống kê ở một số ít cơ quan thống kê địa phương cộng với trình độ cán bộ thống kê còn nhiều bất cập.
Tuy nhiên, cần phải đánh giá một cách khách quan là mức độ chênh lệch của một số chỉ tiêu không đến mức bi quan “một trời, một vực” như phát biểu gần đây của một số chuyên gia kinh tế, cũng như đại biểu Quốc hội.
Nhưng trên thực tế, khoảng cách giữa GRDP của các địa phương và GDP vẫn còn khá lớn?
Để khắc phục hạn chế này, trong 2 năm qua, Tổng cục Thống kê đã đẩy mạnh thực hiện đề án khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương và đã có những kết quả bước đầu.
Cụ thể, nếu năm 2010 - 2011, tốc độ tăng GRDP của 63 tỉnh, thành phố đều trên 2 con số, trong khi của cả nước lần lượt là 6,42% và 6,24%.
Đến năm 2012 đã có nhiều địa phương ở mức một con số và nhất là trong 6 tháng đầu năm 2013, một số địa phương đã tính toán tốc độ tăng trưởng GRDP sát hơn với thực tế, gần hoặc thấp hơn mức tăng trưởng của toàn quốc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bình Thuận…
Thông tin thống kê là một trong những căn cứ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành vi mô và vĩ mô. Việc tính toán GDP và GRDP sẽ thực hiện thế nào để khách quan, trung thực?
Chúng tôi đã được giao nhiệm vụ tính toán lại GRDP năm 2011, cũng như giai đoạn 2006 - 2010 của các địa phương trên cả nước. Sau khi có đủ thông tin, Tổng cục Thống kê sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để công bố số liệu GRDP năm 2011 và giai đoạn 2006 - 2010 của 63 tỉnh, thành phố.
Mục tiêu là đến năm 2015, phải giảm thiểu tình trạng chênh lệch số liệu giữa Trung ương và địa phương, làm căn cứ quan trọng trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020. Từ năm 2016, số liệu GDP của cả nước và GRDP của các địa phương sẽ do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố.
Minh Trí - Mạnh Bôn